Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Văn hoá ứng xử của người Cơtu với tài nguyên thiên nhiên (2)

- Title chuẩn: Văn hóa ứng xử của người Cơ-tu với tài nguyên thiên nhiên (Qua khảo sát tại huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam)  
- Tác giả: TS. Lâm Nhân - Nguyễn Đức Tự
- Tổng hợp: Chu Tu
<----------------------------------------------------> 





(tiếp theo)

4.3. Đối với hoạt động săn bắt và bảo vệ thú rừng:
Trong hoạt động săn bắt, người Cơ-tu có một tích về jêêng ađáh (thần thú rừng), nhưng thường gọi tránh là Cơ Mơơr Bar vì gọi thẳng tên sẽ bị thần ghét và không cho săn thú: “Ngày xưa có cậu bé nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé xin được một ít nhựa từ vài người trong làng để đi đặt bẫy chim. Một hôm đàn ông trai tráng trong làng và cậu bé đi bẫy chim… Có một ông già (là ma rừng) vào lều mọi người xin ăn thịt chim, mọi người không cho, đến khi tới lều cậu bé ông nói: Cháu ơi cháu có bắt được chim không nướng cho ông ăn với? Lúc đó cậu bé chỉ bắt được một con chim nhỏ nhất, cậu bé vui vẻ nướng chín chim và định đưa cho ông nhưng không thấy ông già đâu cả mà chỉ nghe tiếng nói của ông già từ đâu vọng lại: “Cháu hãy đặt bẫy chim cho thật tốt đừng có bỏ, được que bẫy nào thì đặt hết bẫy đó!”. Sau đó cậu bé thực hiện như lời ông già, cậu bắt được rất nhiều chim và mang về nhà, khi đến làng mọi người hỏi sao cậu bắt được nhiều chim thế? thì cậu bé kể lại sự tình cho dân làng nghe, từ đó dân làng tin có Cơ Mơơr Bar tồn tại. Do đó trước khi ăn thịt của con chim bẫy được phải lấy một ít gan chim bung ra ngoài cửa lều và nói ta cho ăn đó để ta được trúng nhiều chim cho hết que bẫy này (đó là hành động cho ma khác và cho Cơ Mơơr Bar ăn để bẫy được nhiều chim hơn).
Vì là tin có Cơ Mơơr Bar nên trong quá trình đi săn người Cơ-tu có tục nói tránh, phải tránh nói thẳng tên thú rừng và tránh nói là “đi săn thú” khi có ai hỏi. Trước khi làng đi bắt chim thú, lấy mật ong thì phải cúng Cơ Mơơr Bar trước để tránh gặp những điều không may. Lễ cúng thường có: tlêếc (gùi con trai), dong (gùi con gái), áo, váy bằng thổ cẩm truyền thống, dây thắt lưng, một con gà, một chén gạo, bả của rượu cần, chuối, thuốc lá và tất cả dân làng phải có mặt đông đủ. Trước khi đi săn cũng cúng, săn được thú cũng phải cúng.
Với người Cơ-tu, săn bắt chim thú vừa để bảo vệ mùa màng vừa kiếm thêm nguồn thực phẩm để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, không phải là tiêu diệt đại trà hay săn bắt triệt các loài chim muông. Hoạt động săn bắt của người Cơ-tu chỉ diễn ra vào các tháng 9, 10, 11 tức là khoảng vào đông, đây cũng là thời gian ngừng sinh sản của các loại chim thú. Vào những thời gian này, khi mùa màng đã thu hoạch xong nam thì bắt đầu lên rừng săn thú, nữ thì vừa lo thu hoạch cho xong mùa vụ vừa kiêm nhiệm vụ hái lượm để chuẩn bị nguồn thực phẩm đón tết.
Việc khai thác lâm khoáng sản, săn bắt chim thú thì theo địa phận riêng của người có chủ rừng, chủ đoạn sông suối, của hộ hay của dòng tộc. Người Cơ-tu phân biệt rõ những khu đồi/rừng của làng nào mà có nhím đất (loại nhím quý của người Cơ-tu) thì không cho ai chặt phá rừng, làm rẫy hay đi săn ở những nơi đó, người trong làng phải bảo vệ loại nhím này.
Ngoài việc săn bắn động động vật trên cạn người cơ-tu còn dùng: aruung, aram, cha đóc, câu, vợt, lưới…để bắt các loài động vật dưới nước như cá, tôm, cua, ốc… Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trừ những trường hợp làng có lễ hội cần cá để đãi khách thì làng mới cho phép dùng độc cây để bắt cá, còn không thì không ai được phép dùng loại độc này để bắt cá. Tuy những hoạt động săn bắt cá, cua, ốc của người dân diễn ra bình thường, họ vẫn chài lưới, câu cá bình thường nhưng họ không đánh bắt tràn lan, tận diệt các loài thủy sản…Ngoài ra, từ lâu họ có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác cá là làm sao vừa bắt được cá ăn vừa bảo vệ được những loài cá con để chúng còn sinh trưởng. Vì thế, cách bắt phổ biến nhất của người Cơ-tu là ngăn đoạn sông, đoạn suối dùng đá đắp một cái đập để nước chảy xuống, xong họ đặt cái aruung (làm bằng tre, nứa đầu trên rỗng đầu dưới có nắp ngăn, có lỗ thưa) ngăn phía dưới để bắt cá to, những con cá nhỏ sẽ lọt qua những lỗ thưa một cách dễ dàng, tiếp tục sinh trưởng.

4. Văn hóa ứng xử của người Cơ-tu trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước

4.1. Quan niệm về nguồn nước:
Cũng như một số tộc người khác trên lãnh thổ nước Việt Nam, người Cơ-tu sinh sống tập trung thành từng làng (mà Cơ-tu gọi là cr’noon, bhươl hay vêêl). Làng/ cr’noon của người Cơ-tu thường dựng nơi đất cao ráo, thoáng mát, có tầm nhìn xa, dễ quản lý bảo vệ nhưng đặc biệt phải thật gần nguồn nước để dẫn về làng dùng. Với người Cơ-tu nguồn nước là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc lập làng, lập Gươl. Thông thường khi muốn lập làng, trước hết phải xem thử nơi đó có gần nguồn nước thì mới được lập làng. Đối với người Cơ-tu tại xã Anông, già làng là người đi kiểm tra trước địa điểm sẽ lập làng, có nhiều cách thử như sau: cách thứ nhất, là dùng con ốc để chính giữa sau đó chia làm ba hướng: hướng đầu tiên là rừng, hướng thứ hai cũng là rừng, hướng cuối là hướng của con người. Sau đó vẽ một vòng tròn cho con ốc và vẽ 3 đường đến 3 hướng để ốc đi, nếu ốc cho ở thì ốc sẽ di chuyển theo hai hướng vào rừng, còn ốc không cho ở thì ốc sẽ lui lại bên hướng của người, như vậy thì người Cơ-tu sẽ không lập làng nơi đó mà sẽ đi tìm nơi đất mới để thử tiếp như thế cho đến khi nào ốc đi về hướng rừng là được. Cách thứ hai, là dùng trứng gà để thử: cũng chia làm ba hướng: hướng đầu tiên là rừng, hướng thứ hai cũng là rừng, hướng cuối là người, ở cách này không có vẽ đường mà dùng quả trứng bị dùi một lỗ bằng kim. Xong, để hướng bị dùi lỗ hướng lên trên cho thật cân đối không chênh hay nghiêng về hướng nào (có thể dùng than để vẽ 3 hướng tương đương trên quả trứng) phía dưới dùng lửa đốt, phải đốt thật từ từ, nhỏ lửa cho đến khi trứng nóng nước của trứng sẽ từ trong ứa ra, nước chảy về hướng rừng bên nào thì mình lập làng bên đó nếu nước chảy về hướng người thì đồng nghĩa với việc ta phải đi tìm nơi đất mới để lập làng.
Đối với người Cơ-tu ở xã Lăng: trước tiên khi muốn lập cr’noon thường các hội đồng già làng ngồi bàn bạc sau đó mới đến địa điểm đã chọn làm thủ tục cúng đất, cúng giàng (thủ tục cúng thường theo từng vùng, thông thường phải có con gà và chai rượu). Khi cúng xong nếu người cúng thấy thuận thì xin phát một chỏm đất gọi là thủ tục “nhận đất”, sau đó dựng chòi tạm tổ chức ăn uống cho qua ngày. Đêm đến có người trong số những người có uy tín của làng nằm mơ thấy điềm tốt như ánh nắng, dòng suối…thì được dựng làng nơi đó. Ngược lại nếu mơ thấy con rắn, bị đuổi bắt…thì bỏ khu đất đó tìm nơi khác.
4.2. Sử dụng và bảo vệ nguồn nước:
Theo quan niệm của người Cơ-tu nguồn nước được hình thành từ những mạch nước ngầm trên những ngọn núi cao, trong những khu rừng nguyên sinh có nhiều cây to sau đó chúng tập trung lại, lớn dần tạo thành khe, thành suối, thành sông. Từ đó người ta tìm cách dẫn nước về làng để dùng hoặc sử dụng vào các mục đích khác như tưới tiêu cho cây, dùng trong chăn nuôi…. Nguồn nước rất quan trọng với người Cơ-tu, có nước là có tất cả nên trong hầu hết các lễ vật cúng đều phải có một chén nước trong. Nguồn nước trong quan niệm của họ còn tượng trưng cho sự tinh khiết của trời đất, nên từ xa xưa người Cơ-tu rất kỵ khi nguồn nước bị làm bẩn. Nếu tình trạng đó xảy ra, họ sẽ làm một lễ cúng “tạ tội” với giàng, và nếu nguồn nước đó còn tiếp tục sử dụng được thì làng sẽ sử dụng còn không sẽ xin chuyển đến nguồn nước mới.
Ngoài ra, bến nước còn là nơi thể hiện tình yêu trong sáng của các đôi nam thanh nữ tú người Cơ-tu, và cũng là nơi bày tỏ tâm tư của các chàng trai cô gái: “Khi chàng trai có ý với một cô gái nào đó trong làng, anh ta sẽ canh chừng cô gái đi lấy nước, anh ta sẽ lên trước cô gái và lấy đất ngăn nước lại (k’đập đác) không cho nước chảy nữa và anh ta tìm một nơi gần đó ngồi chờ. Thế là khi đến nơi, không lấy được nước cô gái mới nhờ chàng trai này lên xem dùm nguồn nước; chỉ chờ có thế chàng trai nhanh chóng đến nơi và khai thông dòng chảy (ch’hooi). Lấy được nước cô gái rất vui, từ đấy hai người thân thiết với nhau hơn…và thời gian sau hai người trở thành đôi vợ chồng sống hạnh phúc với nhau!” .

Từ xa xưa, để có nguồn nước sạch sử dụng ban đầu người ta chưa biết đến việc đắp các mương dẫn nước (z’roóh đác), đập nước (đha’nập đác) hay làm kênh dẫn nước như bây giờ. Con người ngày xưa dùng nước uống (ôm đác), tắm rửa (hoọm đác) từ các con suối (tâm), con sông (k’ruung) hay họ đào những cái hố (nơi có mạch nước chảy) sâu chừng một mét đến hai mét để lấy nước dùng, khi nguồn nước khan hiếm họ phải dùng những ống tre hay những gì hứng được nước lên tận nguồn hứng nước về mà dùng. Dần dần, qua thực tiễn người ta mới biết sử dụng đến những cái máng dẫn nước (c’lang đác) được làm bằng cây rừng nối lại và dẫn nước từ những khu rừng đầu nguồn về mà sử dụng.
Người Cơ-tu cũng không ngoại lệ, để có nước sử dụng trước hết trong quá trình lập làng thì họ phải tìm nơi thật gần nguồn nước. Sau đó nữa, họ tìm cách dẫn nước từ nguồn về đến làng với cách làm truyền thống như: cách thứ nhất, họ chặt những ống tre hay ống nứa chẻ làm đôi làm sạch những cái mắc bên trong, xong họ chặt cây bắt chéo nhau theo hình chữ “X” rồi dùng dây rừng cột làm những giá đỡ nối dài từ nơi có nguồn nước về đến làng. Sau đó họ nối những ống tre hay ống nứa lại bắt lên những cái giá đỡ đã tạo sẵn, dùng dây rừng cột những đoạn tre này cố định với giá đỡ và kéo dài đến làng; phải chú ý trong quá trình dựng giá đỡ phải tính làm sao để máng từ nơi có nguồn nước phải cao hơn nơi dùng cho nước dễ chảy, như vậy nước mới xuôi dòng được (cách làm trên người Cơ-tu gọi là clang đác: bắt máng nước). Cách thứ hai, là đào đất làm một cái mương (zroóh đác: làm mương) rộng chừng một mét từ nguồn nước dẫn tới ruộng (cha hooi ăy ruộng) hay đến nơi cần dùng, cách này tốn kém hơn cả về nhân công lẫn tiền của của cộng đồng. Ngày nay, với sự phát triển ồ ạt của đồ nhựa thì họ dùng những ống nhựa để dẫn nước chứ không còn dùng những đoạn máng tre nối như xưa nữa, vì cách này khá tốn kém, dễ bị mục nát, phải thay máng thường xuyên hằng năm.
Cũng giống như các tộc người khác, người Cơ-tu cũng có tín ngưỡng vạn vật hữu linh, họ quan niệm mọi thứ đều có linh hồn. Thuở xưa, khi trình độ còn hạn chế, họ chưa lý giải được hết các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên nên họ thần thánh hóa các hiện tượng thiên nhiên đó thành các vị thần (dang crêê: thần thiêng) như: thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng, thần cây…Họ quan niệm mọi thứ đều có ma, có thần canh giữ. Đều này không chỉ đem lại cho họ một chỗ dựa tinh thần vững chắc, một niềm tin vô hạn vào các vị thần sẽ đem lại sự may mắn, ấm no, hạnh phúc đến cho cộng đồng mà còn để răn đe, giáo dục con cháu họ không làm những việc xấu, không phá hoại môi trường một cách bừa bãi.
Với họ, khi làm bất cứ việc gì cũng phải cúng để hỏi xin ý kiến các thần có đồng ý cho họ làm việc đó hay không. Trong khi chọn một nguồn nước để sử dụng hay chuyển sang một nguồn nước mới cũng thế, họ phải cúng. Theo người Cơ-tu thì thần nước được gọi là Rồng (hay con “thuồng luồng” theo cách gọi của một số người Cơ-tu xã Anông, Avương) con thuồng luồng hay biến dạng nếu ai gặp con vật này thì phải cúng để xin gọi hồn về. Vật cúng có nải chuối, quả trứng gà và thuốc lá.
Người Cơ-tu không có lễ cầu mưa như người Chăm hay một số tộc người khác, họ chỉ làm lễ pơơc pơl theo cách gọi của họ. Cách làm lễ này hiện nay còn ít người biết nhưng lễ pơơc pơl mang ý nghĩa chính là chọc giận mẹ sấm và mẹ cạn ghét để rồi đổ mưa xuống.
Với người Cơ-tu, nguồn sông suối chính là mạch sống của cả cộng đồng, nuôi sống biết bao thế hệ con người Cơ-tu. Nên từ xưa luật tục của họ cấm không cho ai đốt phá rừng đầu nguồn, vì họ quan niệm nếu như vậy sẽ gây ra tai họa cho làng như dịch bệnh, chết chóc, bệnh tật…Vì thế, nếu phát hiện ai đó chặt phá rừng ở những nơi này thì sẽ bị làng bắt phạt, nhẹ thì con gà, chai rượu còn nặng thì phạt trâu, bò, dê; tùy theo mức độ nặng nhẹ mà làng xử phạt.
Đặc biệt, để bảo vệ nguồn nước người Cơ-tu xem việc giáo dục cho con cháu ngay từ khi còn nhỏ là việc làm quan trọng. Họ dạy cho con cháu ý thức bảo vệ những khu rừng đầu nguồn, cấm chặt phá cây cối, hay làm nương đốt rẫy nơi rừng đầu nguồn, cấm chăn thả trâu bò, xúc vật trên những khu rừng đó. Bởi như vậy là vì họ sợ sẽ làm ô nhiễm nguồn nước sử dụng của làng, sợ làm cạn nguồn nước đầu nguồn. Nếu trường hợp có ai phát đốt ở những nơi người Cơ-tu chọn làm nguồn nước sử dụng chính thì phải cúng, cúng xin ma (giống thần linh của người Việt) thông cảm khi nguồn nước đó lỡ bị người ta làm rẫy gây ô nhiễm, hay hạ trúng cây độc làm nguồn nước bị nhiễm độc, và cúng xin ma để được sử dụng nguồn nước mới. Lễ vật thường cúng là con gà, nải chuối, sáp ong thay hương, người đại diện cúng là già làng với lời khấn: “xin ma thông cảm cho dân, cho dân tìm nguồn nước khác để sử dụng, dân không cố ý làm bẩn nguồn nước chỉ tại những người chặt phát rẫy gây nên”.
Trước kia, rất hiếm trường hợp chặt phá, phát đốt hay làm rẫy ở những khu rừng đầu nguồn nhất là nơi có nguồn nước đang sử dụng. Người Cơ-tu kiêng kỵ không dám đi vào vùng đầu nguồn suối, nguồn sông. Không phải vì người ta sợ rừng thiêng mà sợ làm ô nhiễm nguồn nước, sợ chặt phải loại cây độc đổ trúng nguồn nước làng đang sử dụng. Vả lại, xưa kia những rừng đầu nguồn thường ở rất xa thôn làng nên rừng ở đó dường như còn nguyên vẹn. Đặc biệt làng cấm tuyệt đối những trường hợp săn bắn chim thú nơi có nguồn nước làng đang sử dụng. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng bắt phạt, tùy theo mức độ nặng nhẹ.

5. Tóm lại
Văn hóa ứng xử của người Cơ-tu với môi trường tự nhiện là những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ để tồn tại và phát triển trên một vùng địa lý cư trú. Những kinh nghiệm này bao gồm: tri thức trong hoạt động sản xuất, săn bắn, tri thức trong việc bảo vệ môi trường đất, môi trường rừng và môi trường nước. Trải qua  nhiều thế hệ người Cơ-tu, từ thực tiễn cuộc sống, lao động sản xuất, họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Những tri thức đó ngày càng được bổ sung, bồi đắp, được con cháu noi theo và bằng con đường truyền miệng truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm quý báu như việc chọn đất, phân loại nương, tri thức trong lựa chọn giống lúa, kỹ thuật canh tác và đặc biệt là tri thức trong việc đoán định thời tiết hình thành nên lịch âm (còn gọi là nông lịch) bằng cách nhìn trăng, quan sát các hiện tượng tự nhiên để biết tháng nào thì đi lấy măng, lấy rau; tháng nào thì tỉa lúa, trồng rau; tháng nào thì lấy mật ong và đi săn bắn...
Bên cạnh khai thác các nguồn lợi tự nhiên để sinh tồn thì người Cơ-tu có rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ các nguồn lợi trong tự nhiên như trong săn bắt người Cơ-tu không săn bắn những con thú con hoặc thú mẹ đang chửa, tránh săn bắt vào mùa chim thú sinh sản mà bắt vào mùa Đông, đây là mùa chim thú ít sinh sản và chậm sinh trưởng; trước khi tổ chức đi săn phải làm lễ cúng Cơ Moor Bar hay khi săn được thú cũng phải làm vậy để chứng tỏ lòng thành và cũng tự hứa với lòng là làm việc này chỉ vì để kiếm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn, bảo vệ mùa màng. Đặc biệt trong việc bắt cá, người Cơ-tu không đánh bắt tràn lan, đại trà như ngày nay mà chỉ xin Cơ Moor Bar bắt những con cá lớn, ngoại trừ những ngày hội lễ của làng thì mới được dùng độc ngăn đoạn sông để bắt cá phục vụ lễ hội.
Ngoài những tri thức bản địa trong sản xuất nông nghiệp thì người Cơ-tu còn có những tri thức bản địa trong ứng xử với môi trường tự nhiên như: tri thức trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng, tri thức trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Ở những tri thức này người Cơ-tu coi việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên là cấp bách và là nhiệm vụ lâu dài, cần có sự chung sức của cả cộng đồng. Ở đây, để bảo vệ tài nguyên rừng hay các rừng đầu nguồn thì người Cơ-tu xưa đã biện cớ là những khu rừng thiêng, rừng cấm để con cháu họ không phá hoại, săn bắn mà làm hủy hoại hệ sinh thái nơi đây! Tự mỗi người ý thức chung về khu rừng của cộng đồng mà giữ gìn chúng.
          Tri thức bản địa góp một phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Như tri thức về sản xuất nông nghiệp như làm nương rẫy, xen canh, đa canh, chăn nuôi hay những tri thức trong việc chữa bệnh, quản lý và tổ chức xã hội, ứng xử với môi trường tự nhiên... Cũng chính từ những tri thức này mà giúp họ sống hòa đồng với môi trường tự nhiên đầy khắc nghiệt, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa nổi tiếng còn lưu giữ đến tận ngày nay trong đó những kiến thức về nhà ở, nhà Gươl, nhà dài với lối kiến trúc, điêu khắc độc đáo. Những loại nhạc cụ nổi tiếng như đàn môi, trống, cồng, chiêng, abel, khèn, areng, tù và... với điệu múa Ya Yá quyến rũ khi đến địa bàn này. Hay những làng nghề truyền thống như nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm truyền thống với hoa văn cườm chì trên thổ cẩm.
Ngày nay, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thành lập thủy điện, việc tăng dân số tự nhiên và cơ học... dẫn đến hệ sinh thái ở những cánh rừng đầu nguồn ngày càng biến dạng. Vấn đề ứng dụng tri thức bản địa của người Cơ-tu vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh sống là cần thiết. Bên cạnh việc kêu gọi sự tự giác của cộng đồng, sự hỗ trợ trên nhiều phương diện của Nhà nước và địa phương sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đối với việc bảo tồn và phát huy tri thức bản địa của tộc người này. Người dân Cơ-tu vừa cần thích nghi với cuộc sống hiện tại về phương diện vật chất, đồng thời họ cũng cần phải biết gìn giữ nền tảng văn hoá của dân tộc mình. Nếu không, môi trường công nghiệp và đô thị sẽ tác động mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể làm biến đổi và mai một bản sắc văn hoá của dân tộc. Chính vì vậy, việc đưa ra các nhóm giải pháp liên quan đến các chế độ chính sách có tính đặc thù đối với người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý cán bộ cơ sở là người dân Cơ-tu là vấn đề cần tìm hiểu và ứng dụng sớm vào thực tế. Có như vậy, tri thức bản địa của người Cơ-tu mới được bảo tồn, phát huy, tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc Việt Nam.

 =============
Tài liệu tham khảo
1.    Báo cáo tổng kết của ủy ban Nhân dân xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam năm 2009.
2.    Báo cáo tổng kết của UBND huyện Tây Giang, Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế, xã hội-an ninh, quốc phòng năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011.
3.    Tạ Đức (2002), “Tìm hiểu văn hóa Katu”, Nxb Thuận Hóa, Huế
4.    Lưu Hùng (2005), Săn bắt chim muông và tín ngưỡng liên quan của người Cơ-tu, Tạp chí Dân tộc học, Số 3, Trang 8,14.
5.    Lưu Hùng (2006), “Góp phần tìm hiểu văn hóa Cơ-Tu”, Nxb KHXH, Hà Nội, 289 trang.
6.    Bh’ríu Liếc (2009), “Văn hóa người C’Tu”, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
7.    Phòng thống kê huyện Tây Giang (2010), Niên giám thống kê 2009 huyện Tây Giang.
8.    Nguyễn Hữu Thông (Chủ Biên) (2004), “Katu - Kẻ sống đầu ngọn nước”, Nxb Thuận Hóa, Huế, 445 trang.
9.    Tôn Nữ Khánh Trang (2003), Ăn uống của người Cơ tu, Tạp chí Dân tộc học, Số 1(121), Trang 49,54.
10.    Tài liệu điền dã của nhóm tác giả tháng 3/2011

0 nhận xét: