Truyện cổ Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế*
*Title chuẩn: Tiếp cận truyện cổ của người Cơtu ở Thừa thiên _ Huế
Trần Nguyễn Khánh Phong , Tạp chí Văn hoá
và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013
Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Cơtu, truyện cổ tích được
nhắc đến nhiều, và từ trước đến nay cũng đã có nhiều công trình sưu tầm, biên
soạn, giới thiệu và nghiên cứu về truyện cổ Cơtu ở Việt Nam nói chung và Thừa
Thiên Huế nói riêng. Điều này chứng tỏ được rằng, người Cơtu có một kho tàng
phong phú về số lượng văn bản lẫn giá trị nghệ thuật trong từng câu chuyện kể.
FOLKTALES OF THE COTU ETHNIC GROUP IN THUA THIEN HUE
Abstract
In the folklore storage of the Cotu ethnic group, folktales are much mentioned
by researchers. Many projects of collecting, selecting, introducing, and
studying Cotu folktales over Vietnam
in general and in Thua Thien Hue in particular have been carrying out. This
fact proves that the Cotu people have a rich storage of folktales that are
aesthetically valuable.
***
Ở địa bàn
Thừa Thiên Huế, người Cơtu chủ yếu tập trung ở huyện Nam Đông và số ít hơn ở
các xã Hương Lâm, Hương Nguyên, Hồng Hạ, Hồng Thượng và thị trấn A Lưới thuộc
huyện A Lưới. Cũng giống các dân tộc thiểu số khác trên dãy Trường Sơn, trước
1975, người Cơtu sống với nghề nương rẫy, trồng lúa khô. Ngoài lúa, đồng bào
còn xen canh các loại bắp, kê, đậu,... Một số loại cây như dứa, mít, chuối cũng
được trồng ở bìa rẫy hoặc gần nhà. Lợn, gà được nuôi theo lối thả rông. Săn
bắn, hái lượm và đánh cá là những công việc được bà con làm khi rỗi vụ. Nghề
đan lát ở đây khá nổi tiếng: các đồ gia dụng như mâm, rá đựng cơm, giỏ đựng dao
rựa, ống đũa, hộp đựng xôi, các loại gùi, các loại nong nia để sàng sẩy
gạo,...được làm bằng mây tre rất tinh xảo, và người phụ nữ Cơtu còn biết dệt
vải dzèng truyền thống để phát triển kinh tế gia đình.
Làng của người Cơtu có chừng 20 đến 40 nóc nhà, nhà này cách nhà kia độ 5 - 7m,
được xếp theo hình tròn, hình bầu dục hay đa giác, với chu vi chừng 1km. Mỗi
làng có công trình công cộng như nhà làng (Gươl), máng nước, nghĩa địa và hàng
rào làng. Bên cạnh nhà ở, đồng bào còn có nhà kho để chứa lương thực, nhà chòi
để bảo vệ nương rẫy. Chúng nằm ở vị trí xa làng độ 200 - 1000m.
Đứng đầu làng có chủ làng (Tacôh bươl, sasai vil), là một già làng có đầy đủ uy
tín, am hiểu phong tục, tập quán, có khả năng suy xét để xử đúng trong các vụ
kiện tụng, có tài ăn nói để ngoại giao, được dân làng bầu lên. Trong làng có
nhiều dòng họ (Cabu), mỗi dòng họ có tập quán kiêng cữ riêng liên quan đến dòng
họ mình. Như dòng họ nhận con vật nào làm vật tổ thì không gây hại hay ăn thịt
con vật đó: dòng họ Acho (con chó) kiêng ăn thịt chó; dòng họ N’drok (con bò)
kiêng ăn thịt bò; dòng họ Avô (con vượn) kiêng ăn thịt vượn;... Trai gái cùng
dòng họ cho dù đã qua nhiều đời vẫn không được lấy nhau, trong khi con trai cô
được phép lấy con gái cậu.
Người Cơtu trước đây có tục nam nữ đến tuổi trưởng thành đều phải cưa các răng
cửa đến sát lợi. Cưa răng xong, xã hội mới công nhận sự trưởng thành, mới có
thể tính chuyện hôn nhân, và tham dự các sinh hoạt của cộng đồng với tư cách là
một thành viên chính thức.
Người Cơtu có nhiều hình thức hôn nhân: Hôn nhân gọi mở cửa (Pơplóng) thường
gặp nhất, khi đôi trai gái đã tìm hiểu nhau về báo cho gia đình mình, nếu nhà
gái chấp nhận thì nhà trai tìm người mối (brla), để thoả thuận về đồ sính lễ và
các nghi thức liên quan; Hôn nhân xách gùi (Hơdon tileék), khi chàng trai nhà
nghèo hay mồ côi không đủ đồ sính lễ, được nhà gái cho ở chung rồi gả con cho;
Hôn nhân kí của (Jhơdâp văn), khi người con trai nhà nghèo không đủ đồ sính lễ
phải vay mượn của ở nhà giàu hay nhờ họ cưới vợ cho mình, với điều kiện là khi
sinh ra con gái phải trao cho họ để họ có thêm lao động và khi lấy chồng thì
đòi lại của cải đã bỏ ra; Cướp vợ (Tông kadeail) là hình thức hôn nhân của nhà
giàu, con trai nhà giàu tổ chức bắt cóc cô gái mà mình thích làm vợ rồi báo cho
nhà gái biết, nếu nhà gái đồng ý, họ sẽ đòi nhà trai nộp sính lễ gấp 3, 4 hôn
nhân bình thường.
Trong kho tàng văn hóa dân gian của người Cơtu, truyện cổ tích được nhắc đến
nhiều, và từ trước đến nay cũng đã có một số công trình sưu tầm, biên soạn,
giới thiệu và nghiên cứu về truyện cổ Cơtu ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên
Huế nói riêng. Xin được nêu ra đây một vài công trình tiêu biểu mà chúng tôi có
dịp tiếp cận, xếp theo trình tự thời gian:
- Nguyễn Văn Bổn (Chủ biên): Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tập 2. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1985.
- Nguyễn Tri Hùng: Truyện cổ Cơtu. NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1992.
- Nghiêm Đa Văn: Truyện cổ tích Việt Nam. NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2000.
- Nguyễn Hữu Chúc, Ninh Viết Giao, Phùng Sĩ Hòa, Trần Hoàng, Trần Trọng Tân,
Mai Văn Tấn: Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc miền Trung. NXB Thuận
Hóa, NXB Nghệ An, NXB Thanh Hóa, 2001.
- Trần Nguyễn Khánh Phong: Chàng Phuật Nà (Truyện cổ Tà ôi, Cơtu). NXB
Thuận Hóa, Huế, 2006.
- Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ các dân tộc thiểu số A Lưới. Giải
Khuyến khích Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, 2011. Bản thảo chưa xuất bản.
- Kê Sửu (Chủ biên), Trần Nguyễn Khánh Phong, Triều Nguyên: Văn học dân gian
các dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế, 2 tập. Bản thảo được Giải Nhì
B, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,
2011.
- Trần Nguyễn Khánh Phong: Truyện cổ dân tộc Cơtu. Bản thảo, 2012.
Và ngoài ra, còn có hàng chục truyện cổ khác của người Cơtu được đăng,
in rải rác trong các tuyển tập, tạp chí, báo của trung ương và địa phương mà
chúng tôi chưa có điều kiện tham khảo. Điều này chứng tỏ được rằng, người Cơtu
có một kho tàng phong phú về số lượng văn bản lẫn giá trị nghệ thuật trong từng
câu chuyện kể.
So với người Cơtu ở Quảng Nam thì người Cơtu ở Thừa Thiên Huế vẫn có số
lượng truyện cổ tích khá nhiều, không trùng lặp, được các nhà sưu tầm, biên
soạn và công bố trong thời gian gần đây đã phần nào nói lên được việc phát huy,
bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế.
Tiếp cận truyện cổ của người Cơtu ở Thừa Thiên Huế chúng tôi thấy
nội dung các truyện được chia làm ba loại: Truyện cổ tích thần kì gồm các
truyện: Tầm Mò Zòi, Koài Tù Roàih tìm nước cho làng, Tơ Rứt Kalang Batưng,
Nàng Kăn Tưi, Nàng Palo và chàng Kăn Tưi, Sut Kăn Mo, Chàng Arăng giết vợ, Tít
Mang - Tang Lơ, Partur Tơơm...; truyện cổ tích sinh hoạt: Ông Vỗ Tôn,
Chàng Kăn Tưi nhanh trí, Kăn Kayhơâu, Tơ Rứt làm vua, Tơ Rứt tậu trâu, Chàng
lười, Kinhiar, Arưi Klúng.... và truyện cổ tích loài vật: Voóq Arien,
Thỏ và bà, Sự tích cây đao...
Trong truyện cổ Cơtu nổi lên nhân vật người
mồ côi, hay gặp là các chàng mồ côi. Các chàng mồ côi thường nghèo khổ, vì vậy
mà khó thuyết phục được bố mẹ của những cô gái khi muốn cưới các nàng. Bù vào
đó, người mồ côi thường tốt bụng và có quyết tâm, nỗ lực lớn hơn người khác;
chưa nói các chàng thường được thần linh trợ giúp. Đó là chìa khoá thành công
của họ. Xin nêu ra đây một vài nhân vật tiêu biểu như Tơ Rứt, Kăn Tưi,
Sut Kăn Mo, Tít Mang - Tang Lơ, Partur Tơơm...hoặc các vị thần.
1. Hệ thống truyện cổ thần kỳ đã nhắc đến nhân vật Tầm Mò Zòi trong truyện
Tầm Mò Zòi được xem là một vị thần khổng lồ ẩn thân trong một tảng đá lớn.
Ông Zòi đã cứu giúp dân làng sống cạnh tảng đá thoát cảnh bị cướp bóc. Ông cũng
trừng trị những kẻ ác gây hại đến người khác. Sức tài của ông vượt quá mức của
những kẻ trần tục, nên ông chẳng cần phải ra tay với ai, mà chỉ dùng đến “hắt
xì hơi” là đã khiến đối phương bị đẩy văng xa: “Tầm Mò Zòi chẳng nói năng gì
ông hất chiếc mũi lên trời rồi cúi nhìn trưởng làng ăn cướp, hắt xì hơi một
cái, vị trưởng làng ăn cướp bay bổng lên không trung rồi rơi một cái thật mạnh
xuống ngay trước sân nhà Gươl của làng mình gãy mất xương sườn”; hay “Tầm Mò
Zòi hất chiếc mũi lên trên trời rồi hắt xì hơi một cái, lão chủ đất đã bay tít
về một phía làng Krông. Tầm Mò Zòi lại hắt xì hơi thêm một cái nữa thì mọi vật
quanh đó bay theo lão, đưa lão về cõi chết”. Có thể nói Tầm Mò Zòi là truyện kể
về những người anh hùng đứng ra bảo vệ làng, được làng kính trọng, cúng bái.
Truyện này có phần gần với thần thoại, do Tầm Mò Zòi thuộc thế giới các thiên
thần phân biệt với nhân thần.
Đối với nhân vật Koài Tù Roáih biết làm ra những công cụ sản xuất bằng đá như
cuốc, rìu, biết cách giữ lửa để nấu nướng, biết làm cung tên để tự vệ và bắn
thú lấy thịt, biết đan lát các loại dụng cụ như kađư, gùi, cà loòm, cà ria để
phơi lúa và cất lúa. Koài Tù Roáih cùng một chàng trai làng Canôn([1])
đi tìm nước sạch cho làng. Họ gặp thần Rừng, được thần đồng ý cho nước và bảo
cho biết một trận lụt lớn sắp đến. Chàng trai mời Koài Tù Roáih cùng về làng
Canôn.
Dân làng được tin, lo chuẩn bị đối phó với lụt. Nhờ đó, trận lụt đã
không gây thiệt hại đáng kể cho dân làng. Còn nước thì tha hồ. Từ đó, cây cỏ,
động vật sinh sôi nảy nở; con người cũng có cái ăn cái mặc. Thấy vậy, Koài Tù
Roáih xin ở lại hẳn luôn và được chủ làng đồng ý. Và dưới đây là đoạn kết của Koài
Tù Roáih tìm nước cho làng: “Về sau nhờ biết làm ăn, Koài Tù Roáih còn bày
cho dân làng làm được nhiều thứ nên chủ đất giàu có trong làng gả con gái cho.
Koài Tù Roáih từ đó được vợ đẹp, con ngoan và sống một cuộc sống sung túc”.
Truyện Tơ Rứt Kalang Batưng kể việc Tơ Rứt mồ côi chém Diều hâu
cứu được Kalang Batưng đem về nhà, và vượt qua thử thách của ông Pơnhe, bố nàng
Kalang Batưng, là “leo qua mười một nấc thang đều gãy, vít gãy cần rượu, bắt
được con lợn mà chỉ dùng một tay”, nhưng vẫn không được chấp nhận. Tơ Rứt phải
vượt qua thử thách phi lí, đúng hơn là một sự bắt bí khác, là phải làm xong cái
nhà dưới vực sâu trong vòng một ngày. Thần Sông đã hiện lên giúp đỡ Tơ Rứt, căn
nhà được dựng lên bởi các loài thuỷ giới: cá chình làm cột, cá bơn lợp mái, cá
lát xếp tường, ba ba làm bếp,... Ông Pơnhe thấy nhà đẹp và sang thì thích thú
lắm, hò hát và nhảy múa ầm ào. Ông sai Kalang Batưng nhóm bếp nướng thịt. Khi
lửa bốc lên cao, ba ba bị nóng quá vùng chạy, cá chình, cá lát,...không chịu
nổi hơi nóng, phóng quáng quàng. Bọn cá lao vào người ông Pơnhe, khiến ông ta
ngã lăn ra chết.
Hàng loạt truyện như Nàng Palo và chàng Kăn
Tưi, Nàng Kăn
Tưi, Sut Kăn
Mo, Partur Tơơm... đều mang yếu tố thần kì, người đội lốt thú, hoặc các bộ
phận của con thú như chiếc ngà voi, hoặc con của vị thần nào đó....Ví như;
chàng Kăn Tưi mồ côi bị voi thần phá rẫy, đã quyết tâm bắt được voi, khiến voi
phải đổi một chiếc ngà để được bình yên. Một cô gái đẹp từ chiếc ngà voi hiện
ra và sau đó cùng chàng Kăn Tưi kết làm vợ chồng.
Hoặc truyện kể về một nàng Kăn Tưi mồ côi bị chàng trai là con của Yang
Arơbang[2]
đến phá rẫy. Nàng bắt được chàng ta và tha cho chàng. Con trai của Yang Arơbang
biến thành chàng A Bao nhà nghèo mồ côi để có thể kết hôn với Kăn Tưi. Hai
người sống hạnh phúc suốt đời.
Cô gái Sut Kăn Mo xinh đẹp lấy một chàng trai, ban ngày phải trong lốt
trăn, làm chồng. Chàng trăn tốt bụng, chẳng may mắc tội, bị phạt trong lốt trăn
một thời gian mà thôi. Sut Kăn Mo sống trong rừng sâu với chàng trăn, họ có hai
con. Một hôm, mẹ của Sut Kăn Mo tìm đến nhà hai người đưa nàng về làng. Ít năm
sau, mẹ mất, Sut Kăn Mo tìm lại chồng con. Bấy giờ, chàng trăn hết nạn trở lại
thành người, là chàng Tu Lăn đẹp trai, khoẻ mạnh. Hai người có cuộc sống thật
hạnh phúc.
Chàng trai tuấn tú tên Partur Tơơm, yêu nàng Kabíh Katang Tanang Kaheea
xinh đẹp. Chàng là con của người trời xuống trần gian sinh sống và phát triển
giống nòi, nên không thể đụng đến thân hình chàng (thân chàng đâm không thủng,
bắn không vào, chặt không đứt), trừ khi dùng lõi cành thông, vật bảo hộ và là
họ tộc của chàng. Điều này được giấu kín vì liên quan đến tính mệnh Partur
Tơơm. Nhưng một hôm chàng đã tiết lộ cho Kabíh Katang biết và bị con rệp dưới
giường chàng nằm nghe thấy. Con rệp đã báo cho ân nhân của nó là con ma rà, kẻ
đang đối địch với chàng. Con ma rà đã dùng lõi cành thông đánh chết Partur
Tơơm.
Truyện Tít Mang - Tang Lơ kể về hai anh em Tít Mang và Tang Lơ
hết lòng thương yêu nhau. Vì một sơ suất của Tít Mang làm Tang Lơ chết khiến
Tít Mang ân hận đến không muốn cưới vợ. Đây là một mẩu truyện thương tâm về
tình anh em.
2. Hệ thống truyện cổ tích sinh hoạt thì lại thể hiện những vấn đề
trong cuộc sống làng bản, quan hệ họ hàng, cộng đồng, gia tộc....mỗi truyện có
một sắc thái riêng nhằm thể hiện những ước muốn, tâm tư tình cảm của con người
với nhau. Họ biết lấy thiện để thắng ác, biết ở hiền gặp lành...Truyện Ông
Vỗ Tôn kể về người đàn ông cùng tên tốt bụng, được một bà lão tặng cho con
gà mái choai. Từ gà ông có lợn, từ lợn có bò, từ bò có trâu, từ trâu có bạc
thỏi, bạc nén, mã não…Từ bạc thỏi, bạc nén, mã não, ông có voi…Nhưng quan trọng
hơn, ông có được cuộc sống giàu sang hạnh phúc nhờ cần cù công việc chăn nuôi
và sống tốt với mọi người. Phải chăng, chăm làm và lương thiện là bài học lớn,
bài học vỡ lòng mà việc giáo dục con người không thể không chú ý?
Truyện Chàng Kăn Tưi nhanh trí thì lại kể về một chàng Kăn Tưi
mồ côi, sống với bà nội, lớn lên, chàng để ý đến một cô gái giàu có trong làng.
Bố cô gái là một người tham lam, độc ác. Để chứng tỏ với mọi người mình là
người thông thái và công tâm, ông nhà giàu này ra câu đố cho các trai làng lăm
le muốn cưới con gái mình: “Cái đen được gọi là than, cái trắng được gọi là
chén, cái dài là mây trời có phải không?”. Không chàng trai nào trả lời đúng,
trừ Kăn Tưi (được bà nội bày), ấy là “Cái đen là đêm, cái trắng là mặt trời
sáng của ban ngày, cái dài là đường đi ngang dọc, đi đâu cũng có đường để đi”.
Ông ta bội ước, không chịu gả con gái cho Kăn Tưi. Nhân việc có con voi chết bị
lũ chim moi thịt ăn rỗng ruột, chỉ còn lớp da dày, Kăn Tưi tìm cách bít chỗ hậu
môn voi, nơi lũ chim chui vào, rồi đánh bên ngoài khiến lũ chim hốt hoảng bay
lên, nâng cả con voi. Kăn Tưi cưỡi voi bay đến nhà lão nhà giàu. Lão ta thích
chí bằng lòng gả con gái cho Kăn Tưi, và đổi hết gia tài để lấy con voi bay.
Kăn Tưi đồng ý, dặn lúc bay đến suối nước nóng thì tháo cái sọt bít ở dưới đuôi
voi ra cho voi xuống uống nước. Lão nhà giàu độc ác cưỡi voi bay, thích chí vô
cùng. Đến chỗ suối nước nóng, lão nhà giàu mở cái sọt ở dưới đuôi voi ra như
Kăn Tưi dặn. Lũ chim thấy có lối thoát, vội
phóng cả ra ngoài. Voi rơi xuống đất, hất lão nhà giàu vào tảng đá to, chết
tươi. Kăn Tưi từ đó được hưởng giàu sang và hạnh phúc.
Truyện Kăn Kayhơâu khá độc đáo, kể về người đàn bà có tên là Kăn
Kayhơâu; bà ta có tám cô con gái xinh đẹp, khiến các chàng trai khao khát.
Nguyên hai làng Anong và Chơrlang có mối thâm thù, nên khi các chàng trai con
của ông Koónh Lek và Koónh Ot làng Anong cũng như các chàng trai con của Koónh
Tơâm và Koónh Vêr làng Chơrlang đều có ý cưới các cô về làm vợ, họ quyết một
trận sống mái để giành vợ. Đây là trận đấu lao, bên nào mạnh hơn, nhanh hơn,
đâm trúng đối phương nhiều nhát hơn thì chiến thắng và chiếm được tám cô gái
xinh đẹp, bên thua, nếu bị thương không chết thì phải làm thân trâu ngựa phục
dịch kẻ chiến thắng suốt đời, suốt kiếp. Nhận ra bản chất phi nhân của cuộc đấu
vì các con gái của mình, bà Kăn Kayhơâu đi đến một quyết định. Vào phút cuộc
đấu bắt đầu, bà cởi hết váy xống, lao vào giữa sân, hét lớn: “Đừng cãi cọ, đừng
chém giết nhau, đâu đâu cũng con cái bà, đâu đâu cũng đều là anh em!”. Tiếng
thét của Kăn Kayhơâu đã đánh thức các thần linh, làm lương tri con người thức
tỉnh, họ cùng lẳng lặng bỏ về. Không lâu sau, cả hai làng cùng mở lễ rửa tội và
thề với các Yang xoá bỏ hết mọi thù hằn bấy lâu của đôi bên.
Cũng là nhân vật Tơ Rứt nhưng khác với nhân vật Tơ Rứt Kalang Batưng ở
hệ thống truyện cổ tích thần kỳ, ở truyện Tơ Rứt làm vua kể về chàng mồ
côi nghèo Tơ Rứt kết duyên cùng một nàng tiên. Nhà vua thấy nàng tiên xinh đẹp
đã bắt về ép làm vợ mình, nàng câm lặng, không cười không nói. Được vợ dặn
trước, một hôm, Tơ Rứt gánh theo một gánh củi đến kinh đô, vừa đi vừa rao to:
“Ai mua củi cho tôi để tôi còn làm vua!”. Nghe lời rao kì lạ, nàng tiên bỗng cười
nói vui vẻ. Vua đòi người bán củi vào cung, để lấy lòng người đẹp, vua cởi bỏ
long bào, khoác áo người bán củi và gánh gánh củi rao đúng như Tơ Rứt đã rao.
Nàng tiên (đang ở vai hoàng hậu) bảo Tơ Rứt mặc long bào ngồi lên ngai, rồi ra
lệnh: “Hãy bắt chém ngay tên ngu ngốc, ngạo mạn kia cho ta!”. Quân lính chém
ông vua mê gái đang đóng vai người bán củi phạm thượng. Tơ Rứt và vợ nghiễm
nhiên trở thành nhà vua và hoàng hậu. Đọc qua truyện này khiến chúng ta liên
tưởng đến truyện “Ai mua hành tôi” của người Kinh, thiết nghĩ cần có một sự
nghiên cứu sâu về mối tương đồng của các dân tộc, giữa mối quan hệ giữa miền
xuôi với miền ngược.
Truyện Tơ Rứt tậu trâu kể việc Tơ Rứt bị ông chủ đất phạt nhốt
trên ngọn cây cao, nhờ chim đại bàng cứu thoát, đưa sang Lào. Ở đây, nhờ mưu
mẹo, Tơ Rứt đã kiếm được nhiều trâu đem về làng cày kéo.
Như vậy nhân vật Tơ Rứt cho người đọc hiểu rõ về bản chất của con người
hiền lành, đầy mưu trí khôn ngoan và luôn giúp đỡ làng bản trong cơn khốn khó.
Dù là nghèo khổ hay khi đã giàu sang thì Tơ Rứt vẫn luôn luôn là người con tài
giỏi của cộng đồng và đó là hình ảnh đẹp để giáo dục lối sống cho thế hệ trẻ
sau này.
Bên cạnh những nhân vật luôn cứu giúp dân làng, đem đến cho dân làng
những tương lai tươi sáng thì truyện cổ Cơtu vẫn còn có những con người đáng
phê phán trong cuộc sống đời thường những truyện kể về Chàng Lalơau Jhơơng (Chàng
lười), Chàng Kinhiar (Chàng đần), và Arưi Klúng (Chàng ngốc), đây
là những con người lười biếng và ngốc nghếch, đần độn, không làm được tích sự
gì mà chỉ báo hại gia đình, làm trò cười cho thiên hạ.
3. Hệ thống truyện cổ tích loài vật có mẩu truyện Voóq Ariên kể
về sự nhìn nhận của nhiều con vật về con người, qua một con vật thông minh là
Voóq Ariên (một loài ốc đá ở khe suối). Có một người bị mắc bẫy, Voóq Ariên cho
mời các các con vật đến để nhận diện và giới thiệu với chúng. Lần lượt nhiều
con vật trình bày khả năng của mình trong quan hệ với con người: chim, dúi, hổ,
báo, cá, rùa, hươu, nai, bò tót, kiến, voi. Cuối cùng, Voóq Ariên nhắc lại với
các loài vật rằng: "Tà hừ Tà hà (người) có hàng ngàn cái khôn mà chúng ta
chưa biết được, giờ đây họ đang mắc bẫy của Cà Xau (một loài kiến đỏ, thường
làm tổ ở cành cây cao), để yên thân, chúng ta nên thả cho họ về". Qua
truyện này, người đọc có thể chiêm nghiệm lại mình vì con người có trí khôn
siêu việt, người Cơtu đã sớm nhìn nhận về những gì mà tạo hóa đã ban cho con
người có khả năng chinh phục tự nhiên và xây dựng xã hội phát triển.
Truyện Thỏ và bà kể về một con thỏ ranh ma. Bà sai thỏ đi nhổ cỏ
lúa, nó nhổ sạch lúa. Nó lấy tất cả nồi niêu chén bát trùm lại rồi bám ở dưới
gầm giường rên rỉ để bà tưởng nó mà đánh, khiến chúng tan hoang. Nó lừa để bà
đốt chết hai đứa cháu của mình. Thỏ bỏ người bà, đi vào rừng, hắn lừa rắn hổ,
lừa cả hổ, khiến hổ phải chết.
Truyện Sự tích cây đao nhằm giải thích vì sao cây này “quả lại
nằm trong thân” (muốn ăn, người ta phải bổ thân cây đao ra, khoét lấy lõi đem
băm vụn, giã nhuyễn rồi lọc lấy bột và nấu như nấu cơm). Truyện này lại nhắn
nhủ con người phải thường xuyên lao động, tự kiếm cái ăn chứ phụ thuộc vào
người khác sẽ cho kết quả tồi tệ.
Qua quá trình tìm hiểu nội dung và ý nghĩa của truyện cổ Cơtu ở Thừa
Thiên Huế, chúng tôi thấy có mối quan hệ khăng khít giữa truyện cổ tích người
Tà ôi với truyện cổ tích người Cơtu. Mối quan hệ này được nhận ra qua một số
mẩu truyện có cốt truyện tương tự nhau, và việc cùng sử dụng một số mô típ như
nhau. Đó là các mô típ “người lấy vật”, “người đàn ông có vợ bị một thứ quỷ cái
quyến rũ, đặt điều, khiến đuổi hay giết vợ”, “cô gái đẹp ẩn trong cái vỏ của
một con vật”, “gà ăn dòi bọ từ cơ thể người chết, để người chết có thể sống
lại”,... Điều này được thể hiện dưới đây:
- Mô típ “người lấy vật”: trong Sut Kăn Mo (vật là trăn).
- Mô típ “người đàn ông có vợ bị một thứ quỷ cái quyến rũ, đặt điều,
khiến đuổi hay giết vợ”: trong Chàng Arăng giết vợ (con quỷ cái là
Katrâu).
- Mô típ “cô gái đẹp ẩn trong cái vỏ của một con vật hay bộ phận của
con vật”: trong Nàng Palo và chàng Kăn
Tưi (bộ phận của con vật là ngà voi).
- Mô típ “gà ăn dòi bọ từ cơ thể người chết, để người chết có thể sống
lại”: trong Chàng Arăng giết vợ.
Bên cạnh đó, cũng có thể tìm thấy một vài mẩu truyện của dân tộc Cơtu
có nét gần gũi với truyện cổ tích người Kinh. Chẳng hạn, Tơ Rứt làm vua
của người Cơtu tương tự truyện Ai mua hành tôi của người Kinh; truyện Chàng
Kinhiar và Arưi Klúng, của người Cơtu, tương tự nhóm truyện về anh
chồng khờ và cô vợ khôn ngoan của người Kinh,…Có điều, mức độ quan hệ, giao lưu
giữa cổ tích của người Cơtu với cổ tích người Kinh không mật thiết bằng giữa cổ
tích của người Tà ôi và Cơtu với nhau vì do sự cận cư, mối tương đồng văn hoá
giữa các dân tộc.
Kể chuyện cổ là sinh hoạt phổ biến của những ngày mưa, những đêm dài,
các thế hệ quây quần bên nhau, ngồi nghe các già làng kể lại những mẩu truyện
dũng cảm, bất khuất trong việc dựng làng giữ bản, truyện về những con người
hiền lành được thần thánh phù hộ để chống lại kẻ ác, truyện về những chàng hay
nàng mồ côi nghèo khổ nhưng khôn khéo, thông minh,… Những mẩu truyện như thế
được nhiều thế hệ con người thuộc nằm lòng. Chúng tác dụng sâu sắc trong việc
giáo dục về cội nguồn, về sự hướng thiện, về sự kiên cường và lòng nhẫn nại. Hy
vọng rằng, với số lượng truyện cổ tích mà chúng tôi điểm qua ở trên sẽ một phần
nào giúp người đọc thấy được những điều bổ ích chính từ truyện cổ Cơtu đem lại.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn
Văn Bổn (Chủ biên) (1985), Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng,
Tập 2. Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng.
2. Nguyễn
Tri Hùng (1992), Truyện cổ Cơtu, NXB Đà Nẵng.
3. Nghiêm Đa
Văn (2000), Truyện cổ tích Việt Nam, NXB Phụ Nữ.
4. Nguyễn
Hữu Chúc, Ninh Viết Giao, Phùng Sĩ Hòa, Trần Hoàng, Trần Trọng Tân, Mai Văn Tấn
(2001), Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc miền Trung, NXB Thuận Hóa,
NXB Nghệ An, NXB Thanh Hóa.
5. Trần
Nguyễn Khánh Phong (2006), Chàng Phuật Nà (Truyện cổ Tà ôi, Cơtu), NXB
Thuận Hóa.
6. Trần
Nguyễn Khánh Phong (2011), Truyện cổ các dân tộc thiểu số A Lưới, Giải
Khuyến khích Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bản thảo chưa xuất bản.
7. Kê Sửu
(Chủ biên) (2011), Trần Nguyễn Khánh Phong, Triều Nguyên: Văn học dân gian
các dân tộc ít người ở Thừa Thiên Huế, 2 tập, Bản thảo được Giải Nhì B, Hội
Văn nghệ dân gian Việt Nam.
8. Trần
Nguyễn Khánh Phong (2012), Truyện cổ dân tộc Cơtu, Bản thảo.
9. Nguyễn
Quốc Lộc (Chủ biên) (1986), Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên, NXB
Thuận Hóa.
0 nhận xét: