Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Gươl - Biểu tượng văn hoá của người Cơ Tu*

* Kiến trúc nhà Gươl với văn hóa tín ngưỡng của người Cơtu
 (Số liệu sử dụng trong bài này số liệu cũ, mang tính chất tham khảo - Chu Tu)
 ++++++++
Cùng với nhà sàn Thái Tây Bắc, nhà rông của Ba Na, Gia Rai, nhà cổ Bắc Bộ, Nam Bộ... nhà Gươl là một công trình kiến trúc nhà truyền thống tiêu biểu của một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam, như người Cơtu. Nhà Gươl đã và đang được đánh thức trong di sản văn hóa của một vùng đất tiềm năng này


(Khánh thành Guowl thôn A Liêng xã Ating 2.2014 – Chu Tu)


Nhà Gươl – Di sản văn hoá của người Cơtu
Người Cơ tu hiện có gần 5 vạn người  cư trú trên dãy Trường Sơn từ tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đến tỉnh Quảng Nam và được chia làm 3 vùng: người Cơtu vùng cao (Cơtu Nal), người Cơtu vùng trung (Cơtu Phương) và người Cơtu vùng thấp (Cơtu Đriu). Trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh… người Cơtu vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc… đã làm nên sự độc đáo và phong phú của văn hoá vật thể – phi vật thể trong đời sống cộng đồng, trong đó có nhà Gươl.
Gươl của người Cơtu không phải là nhà ở mà mang chức năng công cộng như đình làng của người Kinh, nhà Gươl là “Linh hồn làng”, là loại hình văn hoá vật thể có giá trị đặc sắc được bảo tồn và gìn giữ. Với chức năng không gian hoạt động của đàn ông rất lớn. Chẳng hạn, họ có quyền lấy nhiều vợ, con theo họ cha. Bởi vậy, tập cộng đồng như đình làng của người Kinh, Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng… nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-Ngoót), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối AVí)…
Xã hội của người Cơtu theo phụ hệ, ở đấy - vai trò người tục đa thê của người Cơ tu không chỉ hiện hữu trong đời sống hôn nhân mà còn được biểu hiện qua việc gọi tên các thành phần kiến trúc của ngôi nhà Gươl như: một cột bố (zơrmâng) và nhiều cột mẹ (tanar). Khi nghiên cứu văn hóa tộc người Cơtu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tộc người này có mối liên hệ với người Việt Đông Sơn và xa hơn nữa là văn hóa thổ dân da đỏ châu Mỹ.
Và với vai trò chủ nhân của một nền văn hóa đó, người Cơtu đã sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc, và là di sản văn hoá của người Cơtu, đó là ngôi nhà GƯƠL.
Gươl, tiếng Cơ tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Chính cách gọi này đã phần nào nói lên một cách cụ thể chức năng của công trình kiến trúc này. Nhà gươl có 3 chức năng chính: Chức năng hành chính; Chức năng sinh hoạt văn hóa cộng đồng và Chức năng bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, 3 chức năng này không tách biệt mà gắn kết, tác động, tương hỗ lẫn nhau. Chẳng hạn, trong lễ hội đâm trâu, biểu hiện của văn hóa cộng đòng qua chức năng của ngôi nhà gươl hòa quyện với nhau tạo nên một sắc thái văn hóa riêng biệt, chính nó làm nên bản sắc riêng của văn hóa Cơtu.
Nhà gươl là công trình đẹp nhất, lớn nhất và quan trọng nhất mà người Cơtu đã đóng góp và xây dựng nên. Về chức năng hành chính. Gươl là nơi tiến hành hội họp, bàn bạc các công việc chung như: phòng chống thú dữ, thiên tai, ban bố các quy định chung thông qua luật tục, xử phạt...Thường ngày, nơi đây là nơi vui chơi cho thanh thiếu niên, trẻ em, thâm trí cả dệt vải, phơi lúa, ngô và làm các công việc khác. Tuy nhiên, tính hành chính của nhà Gươl được thể hiện rõ nét nhất mà trung tâm là takovel (già làng). Tiếp theo là thành viên nam lớn tuổi - họ như "tiểu nghị viện" để giúp già làng các công việc chung liên quan đến cộng đồng. Họ củng cố vai trò lập pháp.
Thứ đến là trai tráng trong vel, họ là những người thực thi mệnh lệnh của già làng và thực hiện các công việc quan trọng của cộng đồng, họ là lực lượng nòng cốt để bảo vệ cộng đồng.
Ngoài chức năng hành chính, nhà gươl như một nhà văn hóa, vì hầu như các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều diễn ra ở nhà gươl và không gian xung quanh nhà gươl này, như: lễ hội đâm trâu, nghi lễ liên quan đến chu kỳ sản xuất: đi săn, đi đặt bẫy, đi cúng rẫy mới... Ngoài ra còn là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật, các trò chơi dân gian của cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhà Gươl còn như một bảo tàng sống đầu tiên của một tộc người - tộc người Cơtu.
Về chức năng bảo tồn văn hóa: Khi bước chân đến đây, ấn tượng đầu tiên ta nhìn rất rõ, đó là thành tố văn hóa đặc sắc của người Cơtu. Giữa sân nhà gươl là cây cột lễ với đường nét chạm trổ công phu và những hoa văn trang trí, thoạt trông ta nhận ra những hoa văn trên chính trang phục của người Cơtu.
Trong nhà Gươl, lưu giữ chiêng, trống, chum, choé, gùi, nỏ, bầu nước... của vel mà không hề ai lấy trộm. Có chăng, chỉ là người nơi khác đến lấy đi... Nó mặc nhiên tồn tại và bảo lưu từ đời này qua đời khác, trở thành những cổ vật quý giá, là nơi sáng tạo, nuôi dưỡng các sản phẩm văn hóa phi vật thể của vel. Tại đây, các loại hình văn hóa phi vật thể như: âm nhạc, múa, hát thông qua các lễ hội, trò diễn... được diễn ra quanh năm và truyền qua nhiều thế hệ.

Hồn người Cơtu trong ngôi nhà Gươl truyền thống
Với đồng bào Cơtu, Gươl là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời. Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng... nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cà Tu (Pơ-ngoót); Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví)... Vì thế, dù giàu hay nghèo, muốn giữ được truyền thống thì trong bản phải có Gươl. Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơtu. 
Người Cơtu lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Làng (Vêêl, Kar non, Bươl) thường được lập theo hình vòng tròn hoặc hình bầu dục, từng ngôi nhà cận kề nhau, mái nhà có hình mu rùa (Pỏ-acoop), ở giữa có một ngôi nhà Gươl. Người Cơtu gọi Gươl là ngôi nhà chung “nhà Gươl”, được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Đây là nơi để những thanh niên Cơtu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Bởi theo quan niệm của người Cơtu, nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl. Trong Gươl mọi người không được đánh cãi nhau… mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu.
Bên trong nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian Cà Tu, sát vách họ dành riêng một khoảng để treo sọ những con vật sau mỗi lần săn bắn được hoặc các sọ đầu trâu sau mỗi lần làng đã tổ chức lễ hội và các nhạc cụ truyền thống.
Theo phong tục xưa, khi lập làng mới, người Cơtu đều làm nhà Gươl. Quy định này đến nay vẫn được thực hiện. Trước khi dựng nhà Gươl, người Cơtu phải tiến hành lễ chọn đất. Việc chọn đất lập làng và chọn đất dựng nhà Gươl là một trong những tín ngưỡng được người Cơtu bao đời đúc kết, quan tâm. Mảnh đất được chọn để lập làng, làm nhà Gươl là công việc của người già làng, lớn tuổi, am hiểu phong tục - tập quán và có kinh nghiệm. Họ khấn xin thần núi, thần nước, thần đất… để xin được dựng nhà Gươl tại nơi đó. Ở người Cơtu có nhiều cách chọn đất để làm nhà Gươl như: Chọn đất bằng trứng gà, theo quy ước một bên của người, một bên của ma, họ đốt trứng và nếu như trứng trào lên sang phần của ma là đất được chọn. Nếu trứng trào lên tràn sang phần của người thì mảnh đất đó không được chọn. Chọn đất bằng cây đót, chọn đất bằng hai con ốc… theo phương pháp đề cập ở trên.
Sau khi đã chọn được đất làm nền thì người Cơtu tổ chức lễ dựng nhà Gươl. Lễ này được tổ chức vào sáng sớm khi Mặt trời vừa mọc ở hướng Đông. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này được dựng ngay ngắn, già làng lấy một ít nước đổ vào cây cột cái đó như cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, sống hoà thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…

Khi làm nhà Gươl xong, người Cơtu tổ chức ăn mừng nhà Gươl mới (Lang-Tơri) được tổ chức từ 2 đến 3 ngày đêm. Lễ này thực sự là ngày vui của cả dân làng. Vì vậy mọi người trong làng đều góp nào rượu ngon, cá, thịt khô, gà…, các con cháu họ dù đi xa, lấy vợ, có chồng ở làng khác, bà con, họ hàng,… đều được mời về dự lễ này để cùng chung vui với làng. Tuỳ điều kiện mỗi làng mà trong ngày ăn mừng nhà Gươl mới, họ có thể giết trâu và làm cây nêu tổ chức đâm trâu. Họ tổ chức đánh cồng, chiêng, trống, múa hát, uống rượu và hát lý chúc nhau, hỏi thăm sức khoẻ.
Sau lễ này, người Cơtu cả 3 vùng: cao, trung và thấp không còn một lễ thức nào liên quan đến việc xây cất nhà Gươl nữa mà nhà Gươl sẽ là nơi để người Cơtu tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến đời sống tinh thần, lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu với nhau, lễ cưới hỏi…
Sự linh thiêng của nhà gươl đối với người Cơ tu cũng giống như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng, với nét độc đáo trong kiến trúc là cây cột cái ở giữa nhà luôn có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu được xem như biểu tượng trung tâm của làng (độ to, nhỏ của cột cái này cho biết uy quyền và sức mạnh của làng). Và vì là linh hồn của làng, nên nhà Gươl của làng này phải do đích thân người dân của làng ấy dựng nên.
Ngày nay người Cơtu vẫn còn lưu giữ những phong tục của dân tộc mình, điều này cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy…

Đặc điểm kiến trúc nhà Gươl Cơtu
Nhà Gươl của người Cơ tu gần giống nhà sàn của người Cơtu nhưng được chạm khắc công phu hơn. Phía trên hai đầu nhà Gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh rất độc đáo, mang những nét văn hóa riêng của người Cơtu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơtu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng... Dù có nhiều loại Gươl, nét độc đáo của các loại này là cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (xờnuh) biểu tượng của cái trục của làng. Nhìn vào cây cột cái của nhà Gươl (cây cột to hoặc nhỏ) chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó. Xung quanh cũng như những tấm ván làm vách... đều được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh của các con vật gắn bó với người Cà Tu trông giống như thật: trâu, tắc kè, trăng, kỳ đà, thằn lằn... và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng cũng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con...  
Cũng bởi điêu khắc nhà Gươl của người Cơ tu gắn với linh hồn của mỗi thôn, làng, nên người Cơ tu tin rằng chính linh hồn của làng đã tạo nên linh hồn cho các tác phẩm điêu khắc.
Thường được xây dựng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Nét đặc trưng nổi bật là bộ mái cao, cuốn tròn hai đầu hồi. Nét đặc trưng khác biệt của nhà Gươl với đa số loại nhà của các tộc người khác là con số chẵn: số gian chẵn, số cột chẵn... thậm trí đòn nóc cũng chẵn. Chứng tỏ quan niệm về con số ở mỗi tộc người có nét đặc trưng riêng.
Nhà Gươl của đồng bào Cơtu xây dựng theo một phong cách riêng biệt, thể hiện rõ nét văn hoá đặc trưng của dân tộc này và được chính bàn tay, khối óc của cả làng làm nên. Gươl có một cái trụ to ở chính giữa, xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Cây cột này khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản này với bản khác. Xung quanh, những tấm ván thưng, những thanh xà chạm trổ các hình con vật gắn bó mật thiết với đời sống người dân như rồng, hổ, trâu, cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng, và treo sọ các thú vật săn bắn được hoặc sọ trâu sau các lễ, treo các nhạc cụ truyền thống… Gươl là nơi thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên của người Cơtu. Đây cũng là chốn linh thiêng, mọi người phải tôn kính.
Tỉ lệ chiều cao giữa mái, sàn và tổng thể là 2/1/3 - một tỉ lệ hết sức hợp lý trong bố cục tạo hình - cho dù nghệ nhân Cơ tu không hề biết đến "tỉ lệ vàng" trong kiến trúc. Điều đó cho thấy sự cảm nhận về nghệ thuật của những nghệ nhân làm nhà gươl rất tinh tế, điều này thể hiện rõ nét hơn trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí nhà gươl.
Khác hẳn với lối kiến trúc chịu lực dàn đều bằng hệ thống cột - xà thường thấy ở nhà rông hay đình làng, hệ thống chịu lực trong kết cấu kiến trúc nhà gươl tập trung vào một cây cột "bố" được chôn rất sâu chính giữa lòng nhà kéo dài lên đỉnh nóc liên kết toàn bộ hệ thống dầm, xà và đòn nóc. Như một cái ô vậy.
Đối xứng qua cột trung tâm là những "cột mẹ", số cột gấp đôi số gian của một nhà gươl. Các cột này liên kết với nhau thông qua hệ thống dầm, xà tạo nên một bộ khung hết sức vững chãi. Ở hai đầu hồi, các vách ngăn được làm bằng ván dày hoặc vỏ cây vừa bền, vừa chắc, vừa có tác dụng như một lớp cách nhiệt, đây là tấm lá chắn cho các chiến binh Cơ tu phòng chống thú dữ và kẻ thù nơi khác đến. 
Với độ dốc lớn nhưng hệ thống đòn mái chỉ có 1 điểm tì duy nhất lên bộ khung và liên kết từng đôi một tại đỉnh nóc, nhưng không vì thế mà mái nhà gươl lại kém chịu lực, bởi toàn bộ đòn mái đã được 2 cây đòn nóc ép chặt. Loại kết cấu 2 đòn nóc này chưa hề thấy ở các kiến trúc gỗ khác trên đất nước ta. Vì thế, nhà gươl rất thoáng, sâu. Đó là một công trình hoàn hảo, khi ta đi vào các chi tiết, bởi nó được tính toán rất kỹ lưỡng như một hệ thống các cứ liệu khoa học của kiến trúc.
Yếu tố nổi bật là các thành phần trang trí hoa văn hình kỉ hà, hết sức tinh tế. Gồm các loại hình tam giác, hình tròn, hình ô trám, đường gấp khúc.... được sắp xếp rất logic, tạo nên các dải trang trí nối tiếp theo những motip thống nhất từ trong ra ngoài.
Một điểm khác nữa là hình tượng con người được đưa vào khá nhiều tác phẩm trang trí nhà gươl như cảnh sinh hoạt đời thường: giã gạo, nhảy múa, uống rượu... được chạm nổi hoặc vé rất khéo léo trên các xà tạo dải trang trí và tô điểm nội thất ngôi nhà, vừa phá đi cảm giác trống trải của không gian rộng lớn của nó, vừa thể hiện rõ nét các thành phần trang trí trong không gian kiến trúc nhà Gươl.
Với tính chất đặc biệt quan trọng của một công trình trọng tâm trong buôn làng Cơtu, nên việc chọn đất làm nhà Gươl có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của buôn làng theo quan niệm của họ. Vì vậy, trong các nghi lễ liên quan đến việc xây dựng nhà gươl, thì nghi lễ chọn đất làm nhà gươl là có ý nghĩa quan trọng nhất.
Trước hết, già làng chọn vị trí tương đối phù hợp với công năng sử dụng của nhà gươl, đó là mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm của vel. Theo quan niệm của họ, thế giới vô hình luôn được chia thành 2 phần: phần của ma và phần của con người. Do đó, trên mảnh đất dự định làm nhà Gươl, người ta chia đất ra làm 2 phần theo hình sống lá chuối, với quy ước một bên của ma, một bên của con người.
Ở mỗi bên sống, họ đặt một con ốc (có người gọi là ếch) được bắt ở hai nơi khác xa nhau, nếu con "ốc ma" bò sang phần đất của người trước thì chỗ đất này không được chọn, nếu con "ốc người" bò sang phần đất ma trước thì mảnh đất này được chọn. Nếu trong trường hợp, cả 2 con "ốc" cùng không xâm phạm tới "đường biên" thì mảnh đất ấy cũng được chọn.
Một cách khác, người ta thay số lá chuối và những con ốc bằng một quả trứng được chia làm 2 nửa: một của ma, một của người. Quả trứng được đập bỏ ở phần đầu tạo nên một "chiếc nồi" nho nhỏ. Đặt chiếc nồi này lên 3 hòn sỏi rồi đốt lửa ở dưới, nếu trứng sôi trào ra phần đất của ma thì chỗ đất đó được chọn, nếu trứng sôi trào ra phần đất của người thì chỗ đất ấy không được chọn. Họ cho rằng, trường hợp trứng trào sang đất ma, điều đó có nghĩa là người đuổi ma nên đất được chọn. Ngược lại, nếu trứng trào sang đất của người thì cũng có nghĩa là ma đuổi người nên không được chọn.
Có một cách khác khá thông dụng là lấy 6 hạt gạo nguyên mới tróc vỏ cho vào một cái ống lồ ô trẻ đôi, sau đó buộc kín lại để một vài canh giờ, nếu còn nguyên là đất tốt. Nếu các hạt gạo bị vỡ hoặc mủn ra thì mảnh đất này không thể làm nhà gươl được. Trong quá trình diễn ra nghi thức trên, nếu gặp phải những điềm gở như cây đổ, sét đánh, khỉ kêu, thú chặn đường... thì phải hoãn ngay mọi việc. Thậm trí khi mảnh đất mới được chọn xong cũng phải bỏ.
Việc chọn đất này không chỉ áp dụng đối với nhà gươl, mà còn được áp dụng trong việc chọn đất làm nhà ở.
Và Gươl truyền thống của người Cơtu rất đẹp đó là “Choong Gươl” dạng hình chiếc nón lá, làm nhà Gươl này rất tốn kém, đòi hỏi nhiều công sức… Kích thước khoảng 8m được chống đỡ bởi cây cột cái (Xa nuôr) ở giữa, cùng với 8 cây cột con ở xung quanh chia đều lực bằng hai hệ thống chính xoè trên và dưới và dạng hình chữ X đối xứng qua cột mẹ (Tânr) được đâm kín từ cây cột cái ra các cột con mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.

Những nỗ lực phục hồi không gian văn hóa làng của người Cơtu
Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơtu. Thế nhưng, trước “cơn lốc” của cuộc sống hiện đại đầy đủ tiện nghi, sự phong phú về đời sống tinh thần “ăn liền” qua các phương tiện nghe nhìn và cũng vì điều kiện kinh tế, nhiều người Cơtu không mấy mặn mà trong việc dựng ngôi nhà cộng đồng này. Trước sự mai một truyền thống, sự mất dần bản sắc văn hoá, cái hồn thôn bản nhạt nhoà dần ngay trên chính mảnh đất sinh ra nó, tỉnh Quảng Nam có chủ trương khôi phục Gươl.  
Hiện nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơtu từng bước được phục hồi. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2004 trong 197 buôn, làng thuộc các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống, thì tại huyện Tây Giang có hơn 40/78 buôn, làng đã có nhà Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 70/119 buôn, làng đã có nhà Gươl. Các xã vùng sâu, vùng xa như xã Zuôih, Ch’Om, Tr’Hy, Axan, Atiêng, xã Lăng… nhà Gươl từng bước được phục hồi.

“Việc khôi phục lại nhà Gươl đối với đồng bào nơi đây đồng nghĩa với việc về với cội nguồn, với bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của họ. Dựng hay sửa chữa Gươl luôn là việc làm hệ trọng được hội đồng già làng quyết định và đông đảo thành viên trong làng hưởng ứng tích cực”, ông Văn Quý Thành, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang, nói.  
Việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống luôn đồng nghĩa với việc khôi phục lại những giá trị văn hoá truyền thống, để khơi dậy trong hồn của tộc người Cà Tu. Ngoài yếu tố tâm linh, văn hoá, nhà Gươl Cơtu còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống tức là góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Cơtu để lưu lại cho các thế hệ con em dân tộc mai sau hiểu biết, kế thừa những giá trị văn hoá vật chất tinh thần của dân tộc mình, để tồn tại không chỉ với những kiến trúc độc đáo mà còn phản ánh về vai trò và chức năng vốn có của nhà Gươl, tạo cho nhà Gươl luôn là một hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp trong cuộc sống mà người Cơtu đã từng gắn bó.
Có thể nói, sự tồn tại của nhà Gươl trong đời sống văn hóa người Cơtu là một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của nét văn hóa cộng đồng trong không gian văn hóa Đông Nam Á. Nó khẳng định vai trò và vị trí của ngôi nhà Gươl trong vai trò là mắt xích của quá trình hình thành và phát triển ngôi nhà cộng đồng ở khu vực này. Nhà Gươl như chiếc cầu nối văn hóa xưa với nay. Nhà Gươl là bảo tàng sống về văn hóa, giúp ta hiểu thêm về văn hóa người Cơtu, một tộc người vùng Nam Trung Bộ của đất nước.

(Cinet tổng hợp)
 ++++++++
* Tài liệu tham khảo :
- Kiến trúc nhà Gươl với văn hóa tín ngưỡng của người Cơtu (baotang.kientrucvietnam.org.vn)
- Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Viện Dân tộc học, nxb Khoa học Xã hội)
- http://dantocviet.vn/Content.aspx?sitepageid=205
 





0 nhận xét: