Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Đôi bờ - Truyện ngắn


Tác giả: Bhơriu Quân
Đăng trên: Văn nghệ trẻ
+++++++++++++++++

ĐÔI BỜ
(Cho M.H)

Nó ngồi bệt xuống bậc thang gươl làng thả mắt nhìn xuống sân đang có những đám trẻ làng tranh nhau đá bóng. Thỉnh thoảng nó lại ngước nhìn lên những mái nhà moong được dựng quanh sân để đón khách du lịch, lòng nó lại bồi hồi miên mang về một điều gì đó, chỉ có nó mới biết mình đang nghĩ gì. Tiếng hò reo cổ vũ đội bóng làm nó giật mình. Lẳng lặng cười một mình như tìm được một niềm vui mới lạ từ trên mái nhà moong. Nó bước xuống bậc thang đi quanh sân làng, đôi mắt ngó ngàng từng ngóc ngách nhà moong, nơi nó và một người khách lạ đã từng đến đây, tìm hiểu về văn hóa Cơtu, mà nó là người trực tiếp làm hướng dẫn.
Ngày ấy, cũng vào những ngày hè oi bức, ở đồng bằng nắng nóng như đổ lửa, mỗi ngày có hàng trăm khách từ dưới xuôi lên ghé qua làng nó để tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa, có nhiều khách ở lại giao lưu với những thanh niên của làng, mà nó là người thường xuyên có mặt để hướng dẫn khách. Nhiều chuyến ghé thăm làng của khách chưa đoàn nào làm nó nhớ như chuyến đi của một cô gái người miền xuôi. Cô gái cũng là một hướng dẫn viên đầy kinh nghiệm, còn nó chỉ là một hướng dẫn của làng về văn hóa Cơtu, nói tiếng Kinh lúc được lúc mất. Trong một lần đón đoàn của cô gái ấy, nó lên nhà moong sắp xếp khách ngủ qua đêm để tối giao lưu với bản làng. Nó ít nói, nhưng sự im lặng đó đã làm cô gái kia chủ động nói chuyện, thăm dò chương trình giao lưu tối nay. Nó ngại khi phải đối diện với một cô gái trẻ, da dẻ hồng hào, trắng nõn; còn nó thì da ngăm đen, trang phục như của núi rừng thực thụ, đầy bụi và những lá cây dính vào. Nét mặt nó đầy vẻ e ngại, thẹn thùng. Tim nó như chạy nhanh hơn bước chạy của con hổ rừng mà nó đã từng thấy khi còn nhỏ theo cha lên rẫy. Mỗi lần chạm mặt như thế, nó lại lãng tránh lên ngồi trên sàn gươl, nhưng mắt nó vẫn luôn nhìn theo hình bóng của cô gái ấy. Đang hướng dẫn cho khách về các vật dụng sinh hoạt của đồng bào Cơtu, nó giật mình khi có một bàn tay mát rượi, mềm mại cầm nhẹ bàn tay nó. Vẫn là cô gái ấy. Nó đứng lặng im, không nói được nên lời. Cô gái đã nhanh tiếp lời nó và nói:
- Anh là người bản địa ở đây, em cần anh giúp có được không ?
Câu hỏi của cô gái như mở lòng e thẹn của nó khi đứng trước một cô gái từ dưới xuôi xinh đẹp. Nó lại nhìn lên mái gươl, như cầu mong Giàng giúp thoát khỏi sự run rẫy, hồi hộp trong lúc này.
- Mình giúp cái gì ? Nó lại hỏi cô gái mà mắt vẫn nhìn sang nơi khác.
- Đêm nay, em cần anh kể cho em nghe về văn hóa của các anh, để sau này em sẽ kể lại cho mọi người đều biết văn hóa của dân tộc anh đậm đà thế nào.
Một lần nữa nó lại giật mình, lần này nó nhìn thẳng vào mặt cô gái. Hai con mắt chạm nhau trong khoảng cách không xa đã làm cho hai con người xuôi - ngược hiểu nhau hơn, gần nhau hơn và hai trai tim kia dường như đã có cùng một nhịp đập.
Nó lại quay mặt đi, không một câu trả lời cho cô gái. Nó hiểu rằng, già làng cũng từng nhắc đêm tối mà nam nữ nói chuyện riêng với nhau, già làng sẽ phạt bằng con heo nái, cho ra ngoài rừng ở, đây là điều cấm kỵ của làng xưa nay không ai dám vi phạm. Nó không nói cho cô gái hiểu mà chạy thẳng về nhà mình ngồi nghĩ ngợi đủ điều, lòng nó thì muốn được gặp cô gái ấy, nói chuyện cùng cô gái, dù chỉ một lần. Nếu tối nay gặp nói chuyện với cô gái trong đêm khuya, có người bắt gặp thì nó sẽ không chuộc nổi tội này bằng một con heo nái to nhất, hoàn cảnh của nhà nó sẽ không cho nó làm như vậy, dù nó rất muốn.
Đêm về. Sân làng rộn ràng tiếng trống chiêng đua nhịp theo điệu tân tung da dá, ở giữa là đóng lửa to đã được chất đầy đang rừng rực bùng cháy, soi rực rỡ từng khuôn mặt thích thú. Khách từ các nhà moong ùa ra sân để chiêm ngưỡng những điệu múa dân vũ lạ lùng, sôi nổi, hào hứng của các chàng trai cô gái Cơtu. Bên góc bậc thang lên gươl, cô gái người Kinh vẫn một mình đưa mắt xuống nhìn mọi người đang hân hoan nhảy múa theo nhịp trống. Vẫn không thấy nó, cô gái như thiếu đi một cái cảm giác ấm cúng của núi rừng bản địa, lòng cô như đang u sầu, trái ngược với tiếng trống chiêng kia rộn rã. Thỉnh thoảng cô gái lại rút cái điện thoại xinh xắn, mở một vài tấm hình quen thuộc để xem, gặp hình nó mới được chụp khi chiều, cô gái dừng lại ngắm không chợp mắt. Nhìn nét mặt nó, cô càng mến nó đến khó ngờ. Con mắt ấy đã làm cô gái có chút rung động từ lúc đầu gặp nhau, con mắt ấy đã biết nói lên tất cả với cô về một cuộc gặp bất ngờ chiều nay, tràn đầy hi vọng. Và, nó cũng như thế, đâu chỉ riêng cô gái.
Mãi mê với những hình ảnh về nó, cô gái giật mình khi thấy nó đã đứng bên cạnh từ lúc nào.
- Mình xấu lắm, đừng xem nữa ! Nó mạnh dạn nói và ngồi xuống cùng cô gái trong sự hồi hộp, tim đập liên hồi và sự lo lắng ai đó bắt gặp nếu tiếp tục ngồi bên cô gái. Nó không dám nhìn vào hình ảnh mình đang có trong tay cô gái, mà nhìn xuống sân làng nén bớt sự run rẫy này. Cô gái cũng nhìn theo nó, như thấy ấm cúng hơn khi có nó bên cạnh.
- Văn hóa của các anh cũng sôi động, uyển chuyển nhỉ ? Cô gái hỏi nó.
- Có như vậy mới thu hút được khách đến đây chứ, nhưng không phải vì có khách mới đem ra múa điệu này. Điệu múa này đã có từ lâu, tồn tại cùng với nhịp sống hàng ngày của đồng bào mình trong các lễ hội đâm trâu, lễ cưới hỏi, mừng hội làng... 
Nó nói một mạch để kìm nén sự e thẹn với cô gái, tạo sự gần gũi hơn với cô gái đang chăm chú nghe nó nói về văn hóa Cơtu.
- Em biết không, đàn ông có điệu tân tung, đó là điệu múa mạnh mẽ, cường tráng, mỗi lần nhảy tay cầm khiêng chân đạp mạnh xuống đất như là sức mạnh của núi rừng, khẳng định vị thế, vai trò của người đàn ông trong việc giữ đất, giữ làng, bảo vệ đồng bào.
Thế còn điệu múa của các cô gái kia thì sao ? – Cô gái lại hỏi nó.
- Đó là điệu múa da dá nhịp nhàng, uyển chuyển, hai tay dâng lên trời, chân nhún nhảy như là vai trò của phụ nữ trong đời sống hàng ngày rất quan trọng, khát khao làm chủ đất trời, sẵn sàng hi sinh vì chồng con.
Nó lại tiếp tục đưa cô gái đắm say văn hóa của dân tộc mình. Tiếng trống chiêng vẫn đều nhịp thình thịch, xoa tan mọi sự ngăn cách, hồi hộp giữa nó và cô gái. Bầu trời sáng trong, những vì sao lấp lánh hiện rõ mồn một, những làn khói đang cháy dỡ vẫn nhìn rõ ngút ngàn trên đỉnh mái gươl. Cô gái có chút bẽn lẽn vừa say mê với điệu múa cồng chiêng vừa lãng mạn với những vì sao trên trời. Bỏ quên nhịp trống chiêng rộn rã. Với cô gái, đó là những thời khắc đẹp nhất của cuộc đời cô nơi núi rừng sâu thẳm này, nơi có một người chàng trai Cơtu biết san sẻ cùng nó về những cái mà cô vẫn còn ngờ ngợ chưa hiểu hết. Còn nó thì mải mê đưa mắt về cánh đàn ông đang say nhịp chiêng, về những cô gái uyển chuyển điệu da dá. Nó đứng dạy, kéo tay cô gái vào trong gươl. Ánh lửa bập bùng hắt rọi qua khoảng trống của gươl soi sáng những vật dụng được trang bày quanh gươl. Nó lần lượt giới thiệu từng vật dụng sinh hoạt của đồng bào Cơtu cho cô gái nghe. Những gì nó nói đều được cô gái ghi lại cẩn thận trong một quyển sổ nhỏ. Hết chuyện dệt thổ cẩm do bàn tay khéo của phụ nữ Cơtu thực hiện đến chuyện đan lát của người đàn ông, rồi tục hôn nhân, đi sim của đôi trai gái. Cứ thế, nó làm cho cô gái càng thích thú với lối nói năng cứng cáp, đi thẳng ý nghĩa của từng vật dụng, cũng như suy nghĩ của người thực hiện nó để có một sản phẩm ưng ý như thế này. Vào nhà moong, nó lại dẫn dắt cô gái về một nơi mà người Cơtu nào cũng cần phải có để ở và sinh hoạt gia đình. Đó cũng là ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ mới lập gia đình sẽ hình thành nhà riêng của mình bằng việc làm nhà moong nhỏ nhắn thế này, nhưng chứa đậm tình thương yêu nhau trong những ngày ra ở riêng.
Đêm đã về khuya. Ánh lửa lúc đầu vẫn bập bùng, giờ cũng tắt dần, chỉ còn những than hồng đỏ đang hừng hực sáng. Nhịp chiêng cũng dịu dần. Những bước chân cũng vắng lặng. Một vài khách vẫn thích thú ngắm những than hồng đang bắn những tia lửa đến thót tim. Bầu trời vẫn trong xanh, đầy những vì sao nhấp nháy, trăng cũng hiện rõ, soi bóng của hai người in sâu trên nền đất. Cả hai lại bước về bậc thang gươl. Gươl vẫn mở, như mở lòng đón khách vậy, đêm nào gươl cũng thế.
Nó thấy mình có một điều gì đó khác lạ. Những khi có khách đến thăm làng, kể cả không có nó vẫn thức không quá chín giờ tối là về nhà ngủ say. Đêm nay nó lại thấy mình vui, lòng nó xốn xang đến lạ lùng, cơn buồn ngủ đã không đến với nó.
- Anh kể cho em nghe làng anh hình thành khu du lịch cộng đồng này từ khi nào vậy ? – Cô gái bất chợt hỏi nó. Nó thích thú đáp liền:
- Làng anh sau giải phóng mới hình thành, sân này trước đây là những ngôi nhà chung của làng. Sau một cơn hỏa hoạn, nhà cháy rụi, nhiều người bỏ đất đi nơi khác ở. Bọn anh hồi đó rất mê đá bóng, sân bóng thì không có, chỉ duy nhất là sân này, thế là anh mua bóng đá huy động anh em trong làng phát dọn, cuốc đất mở rộng sân. Những người lớn tuổi họ kiêng kỵ không cho bọn anh làm vậy, có bạn bị cha mẹ đưa lên rừng ở không cho tham gia cùng với anh, vì theo phong tục nếu nhà bị cháy mà bỏ đi thì không thể quay về ở lại được nữa. Một số người như anh đi học xa biết được nó không như các cụ nghĩ, nên cứ làm liều, họ trách móc rất nhiều những vì ham chơi bóng cứ thế mà làm liều.
- Nhưng vì sao lại thu hút đợc du lịch đến với làng như vậy ? – Cô gái lại hỏi nó tiếp.
- Ở làng, văn hóa bản địa rất đạm đà và nhiều sắc màu. Có một cụ là cán bộ huyện đã nghĩ hưu về làng sinh sống đã đề xuất xây dựng làng du lịch. Bọn anh những người hiểu chút ít về công việc này đã hưởng ứng mạnh mẽ. Thế là làng du lịch cộng đồng đã hình thành.
- Có như vậy em mới đến được đây và ngồi với anh như thế này, đúng không ? – Câu nói của cô gái đã làm cho nó có chút bối rối, ngại ngùng. nhưng nó vẫn vui khi có một người hiểu được nó và muốn luôn được gần nó. Nó cũng vậy.
Trăng như vẻ chênh chếch góc đỉnh mái gươl. Những làn sương mỏng manh vờn qua trước mặt. Không gian lạnh căm. Sau những gì sôi nổi, náo nhiệt khắp sân làng, giờ trả lại cho hai người một sự im lìm, tĩnh lặng khác thường. Tiếng dế đêm thâu vẫn cần mẫn thức cùng hai người, để xoa tan sự lạnh lẽo trong đêm tối nơi gươl làng. Tiếng gà gáy gọi nhau từ mọi nhà, cũng là lúc hai người rời bậc thang gươl làng. Để lại sau lưng cô gái tự tìm về nhà moong ngủ, nó chạy thẳng về nhà rón rén bước vào lên giường nằm ngửa mà đôi mắt không nhắm được. Mình đang yêu chăng, nó tự suy nghĩ vậy và chợp mắt thiếp đi từ lúc nào chẳng hay...
Tiếng còi xe inh ỏi gọi khách về, những bước chân nhanh nhạy của đồng bào Cơtu ra tiễn khách. Cô gái ngơ ngác tìm hình bóng nó để nói lời chia tay mà không thấy, nét mặt cô có chút đượm buồn, lăn dài những giọt nước mắt đầu tiên vì nó. Bên kia đường, nó đứng lặng một mình không cho ai thấy sự sầu muộn trong lòng. Nó không dám đến gần cô gái, tối qua nó mạnh dạn nhờ bóng tối mới ngồi được với cô. Nó tự trách mình bỗng dưng lại ngại ngùng đến thế, ngay cả tên tuổi cô gái nó cũng chưa hỏi kịp.
Xe lăn bánh, đầu cô gái vẫn ngoảnh lại phía sau đưa mắt dõi theo mọi nơi để tìm nó. Nó chạy theo chỉ kịp dơ tay vẫy chào cô gái. Cô gái cố thốt lên nói điều gì đó mà nó vẫn không nghe rõ, nhưng lòng nó biết rằng nó cũng hết cơ hội được gặp lại cô gái khi ngày mai cô gái ấy sẽ lên tàu về thành phố sầm uất, cách xa bản làng của nó cả nghìn kilomet...
Tiếng hô...vào... của các thanh niên làng đang đá bóng làm nó giật mình. Rồi nó lại mỉm cười như thấy mình thơ dại. Vẫn chờ đợi người con gái ấy trở lại. Vẫn nhớ nhung sầu muộn với những mái gươl, nhà moong quanh làng. Niềm vui với nó khi có khách về thăm làng, những lại nổi buồn khi khách đi. Một sự trống vắng trong lòng nó, nó lại nhớ rừng, nhớ sông suối...
Đứa cháu chạy qua đưa nó một lá thiếp ghi họ tên nó rõ ràng, nét chữ đẹp, nơi gửi từ một thành phố xa lắc mà nó chưa được đến lần nào. Mở lá thiếp, nó nhìn sâu dòng chữ trân trọng báo tin lễ thành hôn Hạnh Thi. Nó trở lại bậc thang gươl, đọc lại lần nữa. Ôi, cô gái ấy ngày nào tên là Hạnh Thi, giờ nó mới biết. Nó đã chờ đợi cô gái ấy quay trở lại làng, cần nhất là với nó đã hơn năm năm nay. Nhưng sự trở lại bằng hình hài cô gái đó không thấy mà chỉ có tấm thiệp hồng báo tin vui này. Nó lại mỉm cười. Nụ cười đầy niềm vui rạng rỡ, nhưng lòng nó là cả một sự chờ đợi, trống vắng đến lúc này.
Vẫn là chỗ Hạnh Thi và nó đã từng ngồi. Nó im lặng, sự lặng im lúc này không ai trong đám bạn dám đến hỏi chuyện. Đầu đường bên kia cầu, nơi nó chưa kịp gặp mặt tiễn đưa Hạnh Thi lần cuối vẫn còn in dấu cái ngoảnh mặt, cái vẫy tay chào nhau, ngay cả cái thốt lên từ chuyến xe cuối cùng đó vẫn hiện hữu trong suy nghĩ của nó. Dòng sông quanh làng vẫn chảy nhịp nhàng, nhưng đôi bờ sông kia cũng sẽ không bao giờ chạm nhau được. Và, nó hiểu điều đó cũng sẽ không bao giờ xảy ra được nữa                                        
+++++++++++++
- Gươl: Nhà rông.
- Nhà moong: Nhà nhỏ được dựng quanh gươl, nhà bếp Cơtu.

0 nhận xét:

Thế giới quan của người Cơ Tu*

* Tiêu đề được rút gọn lại - Chu Tu


0 nhận xét:

Tìm hiểu về dòng họ Cơ Tu*

* Tiêu đề được rút gọn lại.
** Các văn bản, tài liệu nghiên cứu nói chung đều sử dụng viết là Katu (sử dụng phiên âm và cách viết theo nhóm Katuic, chi Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á). Ở đây sử dụng cách viết Cơ Tu theo nghĩa phổ thông, hành chính nhà nước.




0 nhận xét:

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Gươl - Biểu tượng văn hoá của người Cơ Tu*

* Kiến trúc nhà Gươl với văn hóa tín ngưỡng của người Cơtu
 (Số liệu sử dụng trong bài này số liệu cũ, mang tính chất tham khảo - Chu Tu)
 ++++++++
Cùng với nhà sàn Thái Tây Bắc, nhà rông của Ba Na, Gia Rai, nhà cổ Bắc Bộ, Nam Bộ... nhà Gươl là một công trình kiến trúc nhà truyền thống tiêu biểu của một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam, như người Cơtu. Nhà Gươl đã và đang được đánh thức trong di sản văn hóa của một vùng đất tiềm năng này


(Khánh thành Guowl thôn A Liêng xã Ating 2.2014 – Chu Tu)


Nhà Gươl – Di sản văn hoá của người Cơtu
Người Cơ tu hiện có gần 5 vạn người  cư trú trên dãy Trường Sơn từ tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đến tỉnh Quảng Nam và được chia làm 3 vùng: người Cơtu vùng cao (Cơtu Nal), người Cơtu vùng trung (Cơtu Phương) và người Cơtu vùng thấp (Cơtu Đriu). Trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh… người Cơtu vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc… đã làm nên sự độc đáo và phong phú của văn hoá vật thể – phi vật thể trong đời sống cộng đồng, trong đó có nhà Gươl.
Gươl của người Cơtu không phải là nhà ở mà mang chức năng công cộng như đình làng của người Kinh, nhà Gươl là “Linh hồn làng”, là loại hình văn hoá vật thể có giá trị đặc sắc được bảo tồn và gìn giữ. Với chức năng không gian hoạt động của đàn ông rất lớn. Chẳng hạn, họ có quyền lấy nhiều vợ, con theo họ cha. Bởi vậy, tập cộng đồng như đình làng của người Kinh, Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng… nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-Ngoót), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối AVí)…
Xã hội của người Cơtu theo phụ hệ, ở đấy - vai trò người tục đa thê của người Cơ tu không chỉ hiện hữu trong đời sống hôn nhân mà còn được biểu hiện qua việc gọi tên các thành phần kiến trúc của ngôi nhà Gươl như: một cột bố (zơrmâng) và nhiều cột mẹ (tanar). Khi nghiên cứu văn hóa tộc người Cơtu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tộc người này có mối liên hệ với người Việt Đông Sơn và xa hơn nữa là văn hóa thổ dân da đỏ châu Mỹ.
Và với vai trò chủ nhân của một nền văn hóa đó, người Cơtu đã sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc, và là di sản văn hoá của người Cơtu, đó là ngôi nhà GƯƠL.
Gươl, tiếng Cơ tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Chính cách gọi này đã phần nào nói lên một cách cụ thể chức năng của công trình kiến trúc này. Nhà gươl có 3 chức năng chính: Chức năng hành chính; Chức năng sinh hoạt văn hóa cộng đồng và Chức năng bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, 3 chức năng này không tách biệt mà gắn kết, tác động, tương hỗ lẫn nhau. Chẳng hạn, trong lễ hội đâm trâu, biểu hiện của văn hóa cộng đòng qua chức năng của ngôi nhà gươl hòa quyện với nhau tạo nên một sắc thái văn hóa riêng biệt, chính nó làm nên bản sắc riêng của văn hóa Cơtu.
Nhà gươl là công trình đẹp nhất, lớn nhất và quan trọng nhất mà người Cơtu đã đóng góp và xây dựng nên. Về chức năng hành chính. Gươl là nơi tiến hành hội họp, bàn bạc các công việc chung như: phòng chống thú dữ, thiên tai, ban bố các quy định chung thông qua luật tục, xử phạt...Thường ngày, nơi đây là nơi vui chơi cho thanh thiếu niên, trẻ em, thâm trí cả dệt vải, phơi lúa, ngô và làm các công việc khác. Tuy nhiên, tính hành chính của nhà Gươl được thể hiện rõ nét nhất mà trung tâm là takovel (già làng). Tiếp theo là thành viên nam lớn tuổi - họ như "tiểu nghị viện" để giúp già làng các công việc chung liên quan đến cộng đồng. Họ củng cố vai trò lập pháp.
Thứ đến là trai tráng trong vel, họ là những người thực thi mệnh lệnh của già làng và thực hiện các công việc quan trọng của cộng đồng, họ là lực lượng nòng cốt để bảo vệ cộng đồng.
Ngoài chức năng hành chính, nhà gươl như một nhà văn hóa, vì hầu như các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều diễn ra ở nhà gươl và không gian xung quanh nhà gươl này, như: lễ hội đâm trâu, nghi lễ liên quan đến chu kỳ sản xuất: đi săn, đi đặt bẫy, đi cúng rẫy mới... Ngoài ra còn là nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật, các trò chơi dân gian của cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhà Gươl còn như một bảo tàng sống đầu tiên của một tộc người - tộc người Cơtu.
Về chức năng bảo tồn văn hóa: Khi bước chân đến đây, ấn tượng đầu tiên ta nhìn rất rõ, đó là thành tố văn hóa đặc sắc của người Cơtu. Giữa sân nhà gươl là cây cột lễ với đường nét chạm trổ công phu và những hoa văn trang trí, thoạt trông ta nhận ra những hoa văn trên chính trang phục của người Cơtu.
Trong nhà Gươl, lưu giữ chiêng, trống, chum, choé, gùi, nỏ, bầu nước... của vel mà không hề ai lấy trộm. Có chăng, chỉ là người nơi khác đến lấy đi... Nó mặc nhiên tồn tại và bảo lưu từ đời này qua đời khác, trở thành những cổ vật quý giá, là nơi sáng tạo, nuôi dưỡng các sản phẩm văn hóa phi vật thể của vel. Tại đây, các loại hình văn hóa phi vật thể như: âm nhạc, múa, hát thông qua các lễ hội, trò diễn... được diễn ra quanh năm và truyền qua nhiều thế hệ.

Hồn người Cơtu trong ngôi nhà Gươl truyền thống
Với đồng bào Cơtu, Gươl là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời. Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng... nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cà Tu (Pơ-ngoót); Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối aví)... Vì thế, dù giàu hay nghèo, muốn giữ được truyền thống thì trong bản phải có Gươl. Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơtu. 
Người Cơtu lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Làng (Vêêl, Kar non, Bươl) thường được lập theo hình vòng tròn hoặc hình bầu dục, từng ngôi nhà cận kề nhau, mái nhà có hình mu rùa (Pỏ-acoop), ở giữa có một ngôi nhà Gươl. Người Cơtu gọi Gươl là ngôi nhà chung “nhà Gươl”, được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Đây là nơi để những thanh niên Cơtu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Bởi theo quan niệm của người Cơtu, nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến Gươl. Trong Gươl mọi người không được đánh cãi nhau… mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu.
Bên trong nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian Cà Tu, sát vách họ dành riêng một khoảng để treo sọ những con vật sau mỗi lần săn bắn được hoặc các sọ đầu trâu sau mỗi lần làng đã tổ chức lễ hội và các nhạc cụ truyền thống.
Theo phong tục xưa, khi lập làng mới, người Cơtu đều làm nhà Gươl. Quy định này đến nay vẫn được thực hiện. Trước khi dựng nhà Gươl, người Cơtu phải tiến hành lễ chọn đất. Việc chọn đất lập làng và chọn đất dựng nhà Gươl là một trong những tín ngưỡng được người Cơtu bao đời đúc kết, quan tâm. Mảnh đất được chọn để lập làng, làm nhà Gươl là công việc của người già làng, lớn tuổi, am hiểu phong tục - tập quán và có kinh nghiệm. Họ khấn xin thần núi, thần nước, thần đất… để xin được dựng nhà Gươl tại nơi đó. Ở người Cơtu có nhiều cách chọn đất để làm nhà Gươl như: Chọn đất bằng trứng gà, theo quy ước một bên của người, một bên của ma, họ đốt trứng và nếu như trứng trào lên sang phần của ma là đất được chọn. Nếu trứng trào lên tràn sang phần của người thì mảnh đất đó không được chọn. Chọn đất bằng cây đót, chọn đất bằng hai con ốc… theo phương pháp đề cập ở trên.
Sau khi đã chọn được đất làm nền thì người Cơtu tổ chức lễ dựng nhà Gươl. Lễ này được tổ chức vào sáng sớm khi Mặt trời vừa mọc ở hướng Đông. Đầu tiên là dựng cây cột cái, khi cột này được dựng ngay ngắn, già làng lấy một ít nước đổ vào cây cột cái đó như cầu mong thần linh phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, sống hoà thuận, đoàn kết, hạnh phúc, thương yêu nhau…

Khi làm nhà Gươl xong, người Cơtu tổ chức ăn mừng nhà Gươl mới (Lang-Tơri) được tổ chức từ 2 đến 3 ngày đêm. Lễ này thực sự là ngày vui của cả dân làng. Vì vậy mọi người trong làng đều góp nào rượu ngon, cá, thịt khô, gà…, các con cháu họ dù đi xa, lấy vợ, có chồng ở làng khác, bà con, họ hàng,… đều được mời về dự lễ này để cùng chung vui với làng. Tuỳ điều kiện mỗi làng mà trong ngày ăn mừng nhà Gươl mới, họ có thể giết trâu và làm cây nêu tổ chức đâm trâu. Họ tổ chức đánh cồng, chiêng, trống, múa hát, uống rượu và hát lý chúc nhau, hỏi thăm sức khoẻ.
Sau lễ này, người Cơtu cả 3 vùng: cao, trung và thấp không còn một lễ thức nào liên quan đến việc xây cất nhà Gươl nữa mà nhà Gươl sẽ là nơi để người Cơtu tổ chức nhiều nghi lễ liên quan đến đời sống tinh thần, lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu với nhau, lễ cưới hỏi…
Sự linh thiêng của nhà gươl đối với người Cơ tu cũng giống như nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng, với nét độc đáo trong kiến trúc là cây cột cái ở giữa nhà luôn có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu được xem như biểu tượng trung tâm của làng (độ to, nhỏ của cột cái này cho biết uy quyền và sức mạnh của làng). Và vì là linh hồn của làng, nên nhà Gươl của làng này phải do đích thân người dân của làng ấy dựng nên.
Ngày nay người Cơtu vẫn còn lưu giữ những phong tục của dân tộc mình, điều này cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy…

Đặc điểm kiến trúc nhà Gươl Cơtu
Nhà Gươl của người Cơ tu gần giống nhà sàn của người Cơtu nhưng được chạm khắc công phu hơn. Phía trên hai đầu nhà Gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh rất độc đáo, mang những nét văn hóa riêng của người Cơtu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơtu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng... Dù có nhiều loại Gươl, nét độc đáo của các loại này là cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (xờnuh) biểu tượng của cái trục của làng. Nhìn vào cây cột cái của nhà Gươl (cây cột to hoặc nhỏ) chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó. Xung quanh cũng như những tấm ván làm vách... đều được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh của các con vật gắn bó với người Cà Tu trông giống như thật: trâu, tắc kè, trăng, kỳ đà, thằn lằn... và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng cũng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con...  
Cũng bởi điêu khắc nhà Gươl của người Cơ tu gắn với linh hồn của mỗi thôn, làng, nên người Cơ tu tin rằng chính linh hồn của làng đã tạo nên linh hồn cho các tác phẩm điêu khắc.
Thường được xây dựng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Nét đặc trưng nổi bật là bộ mái cao, cuốn tròn hai đầu hồi. Nét đặc trưng khác biệt của nhà Gươl với đa số loại nhà của các tộc người khác là con số chẵn: số gian chẵn, số cột chẵn... thậm trí đòn nóc cũng chẵn. Chứng tỏ quan niệm về con số ở mỗi tộc người có nét đặc trưng riêng.
Nhà Gươl của đồng bào Cơtu xây dựng theo một phong cách riêng biệt, thể hiện rõ nét văn hoá đặc trưng của dân tộc này và được chính bàn tay, khối óc của cả làng làm nên. Gươl có một cái trụ to ở chính giữa, xung quanh nhiều trụ nhỏ kết nối với nhau thành hệ thống vững chắc. Cây cột này khẳng định uy quyền, sự lớn mạnh của bản này với bản khác. Xung quanh, những tấm ván thưng, những thanh xà chạm trổ các hình con vật gắn bó mật thiết với đời sống người dân như rồng, hổ, trâu, cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng, và treo sọ các thú vật săn bắn được hoặc sọ trâu sau các lễ, treo các nhạc cụ truyền thống… Gươl là nơi thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên của người Cơtu. Đây cũng là chốn linh thiêng, mọi người phải tôn kính.
Tỉ lệ chiều cao giữa mái, sàn và tổng thể là 2/1/3 - một tỉ lệ hết sức hợp lý trong bố cục tạo hình - cho dù nghệ nhân Cơ tu không hề biết đến "tỉ lệ vàng" trong kiến trúc. Điều đó cho thấy sự cảm nhận về nghệ thuật của những nghệ nhân làm nhà gươl rất tinh tế, điều này thể hiện rõ nét hơn trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí nhà gươl.
Khác hẳn với lối kiến trúc chịu lực dàn đều bằng hệ thống cột - xà thường thấy ở nhà rông hay đình làng, hệ thống chịu lực trong kết cấu kiến trúc nhà gươl tập trung vào một cây cột "bố" được chôn rất sâu chính giữa lòng nhà kéo dài lên đỉnh nóc liên kết toàn bộ hệ thống dầm, xà và đòn nóc. Như một cái ô vậy.
Đối xứng qua cột trung tâm là những "cột mẹ", số cột gấp đôi số gian của một nhà gươl. Các cột này liên kết với nhau thông qua hệ thống dầm, xà tạo nên một bộ khung hết sức vững chãi. Ở hai đầu hồi, các vách ngăn được làm bằng ván dày hoặc vỏ cây vừa bền, vừa chắc, vừa có tác dụng như một lớp cách nhiệt, đây là tấm lá chắn cho các chiến binh Cơ tu phòng chống thú dữ và kẻ thù nơi khác đến. 
Với độ dốc lớn nhưng hệ thống đòn mái chỉ có 1 điểm tì duy nhất lên bộ khung và liên kết từng đôi một tại đỉnh nóc, nhưng không vì thế mà mái nhà gươl lại kém chịu lực, bởi toàn bộ đòn mái đã được 2 cây đòn nóc ép chặt. Loại kết cấu 2 đòn nóc này chưa hề thấy ở các kiến trúc gỗ khác trên đất nước ta. Vì thế, nhà gươl rất thoáng, sâu. Đó là một công trình hoàn hảo, khi ta đi vào các chi tiết, bởi nó được tính toán rất kỹ lưỡng như một hệ thống các cứ liệu khoa học của kiến trúc.
Yếu tố nổi bật là các thành phần trang trí hoa văn hình kỉ hà, hết sức tinh tế. Gồm các loại hình tam giác, hình tròn, hình ô trám, đường gấp khúc.... được sắp xếp rất logic, tạo nên các dải trang trí nối tiếp theo những motip thống nhất từ trong ra ngoài.
Một điểm khác nữa là hình tượng con người được đưa vào khá nhiều tác phẩm trang trí nhà gươl như cảnh sinh hoạt đời thường: giã gạo, nhảy múa, uống rượu... được chạm nổi hoặc vé rất khéo léo trên các xà tạo dải trang trí và tô điểm nội thất ngôi nhà, vừa phá đi cảm giác trống trải của không gian rộng lớn của nó, vừa thể hiện rõ nét các thành phần trang trí trong không gian kiến trúc nhà Gươl.
Với tính chất đặc biệt quan trọng của một công trình trọng tâm trong buôn làng Cơtu, nên việc chọn đất làm nhà Gươl có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của buôn làng theo quan niệm của họ. Vì vậy, trong các nghi lễ liên quan đến việc xây dựng nhà gươl, thì nghi lễ chọn đất làm nhà gươl là có ý nghĩa quan trọng nhất.
Trước hết, già làng chọn vị trí tương đối phù hợp với công năng sử dụng của nhà gươl, đó là mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm của vel. Theo quan niệm của họ, thế giới vô hình luôn được chia thành 2 phần: phần của ma và phần của con người. Do đó, trên mảnh đất dự định làm nhà Gươl, người ta chia đất ra làm 2 phần theo hình sống lá chuối, với quy ước một bên của ma, một bên của con người.
Ở mỗi bên sống, họ đặt một con ốc (có người gọi là ếch) được bắt ở hai nơi khác xa nhau, nếu con "ốc ma" bò sang phần đất của người trước thì chỗ đất này không được chọn, nếu con "ốc người" bò sang phần đất ma trước thì mảnh đất này được chọn. Nếu trong trường hợp, cả 2 con "ốc" cùng không xâm phạm tới "đường biên" thì mảnh đất ấy cũng được chọn.
Một cách khác, người ta thay số lá chuối và những con ốc bằng một quả trứng được chia làm 2 nửa: một của ma, một của người. Quả trứng được đập bỏ ở phần đầu tạo nên một "chiếc nồi" nho nhỏ. Đặt chiếc nồi này lên 3 hòn sỏi rồi đốt lửa ở dưới, nếu trứng sôi trào ra phần đất của ma thì chỗ đất đó được chọn, nếu trứng sôi trào ra phần đất của người thì chỗ đất ấy không được chọn. Họ cho rằng, trường hợp trứng trào sang đất ma, điều đó có nghĩa là người đuổi ma nên đất được chọn. Ngược lại, nếu trứng trào sang đất của người thì cũng có nghĩa là ma đuổi người nên không được chọn.
Có một cách khác khá thông dụng là lấy 6 hạt gạo nguyên mới tróc vỏ cho vào một cái ống lồ ô trẻ đôi, sau đó buộc kín lại để một vài canh giờ, nếu còn nguyên là đất tốt. Nếu các hạt gạo bị vỡ hoặc mủn ra thì mảnh đất này không thể làm nhà gươl được. Trong quá trình diễn ra nghi thức trên, nếu gặp phải những điềm gở như cây đổ, sét đánh, khỉ kêu, thú chặn đường... thì phải hoãn ngay mọi việc. Thậm trí khi mảnh đất mới được chọn xong cũng phải bỏ.
Việc chọn đất này không chỉ áp dụng đối với nhà gươl, mà còn được áp dụng trong việc chọn đất làm nhà ở.
Và Gươl truyền thống của người Cơtu rất đẹp đó là “Choong Gươl” dạng hình chiếc nón lá, làm nhà Gươl này rất tốn kém, đòi hỏi nhiều công sức… Kích thước khoảng 8m được chống đỡ bởi cây cột cái (Xa nuôr) ở giữa, cùng với 8 cây cột con ở xung quanh chia đều lực bằng hai hệ thống chính xoè trên và dưới và dạng hình chữ X đối xứng qua cột mẹ (Tânr) được đâm kín từ cây cột cái ra các cột con mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.

Những nỗ lực phục hồi không gian văn hóa làng của người Cơtu
Nhà Gươl được coi là nơi tôn kính, chốn linh thiêng thờ các vị thần linh dân gian, ông bà tổ tiên và nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Cơtu. Thế nhưng, trước “cơn lốc” của cuộc sống hiện đại đầy đủ tiện nghi, sự phong phú về đời sống tinh thần “ăn liền” qua các phương tiện nghe nhìn và cũng vì điều kiện kinh tế, nhiều người Cơtu không mấy mặn mà trong việc dựng ngôi nhà cộng đồng này. Trước sự mai một truyền thống, sự mất dần bản sắc văn hoá, cái hồn thôn bản nhạt nhoà dần ngay trên chính mảnh đất sinh ra nó, tỉnh Quảng Nam có chủ trương khôi phục Gươl.  
Hiện nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơtu từng bước được phục hồi. Riêng tại tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2004 trong 197 buôn, làng thuộc các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang nơi có số đông đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống, thì tại huyện Tây Giang có hơn 40/78 buôn, làng đã có nhà Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 70/119 buôn, làng đã có nhà Gươl. Các xã vùng sâu, vùng xa như xã Zuôih, Ch’Om, Tr’Hy, Axan, Atiêng, xã Lăng… nhà Gươl từng bước được phục hồi.

“Việc khôi phục lại nhà Gươl đối với đồng bào nơi đây đồng nghĩa với việc về với cội nguồn, với bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo của họ. Dựng hay sửa chữa Gươl luôn là việc làm hệ trọng được hội đồng già làng quyết định và đông đảo thành viên trong làng hưởng ứng tích cực”, ông Văn Quý Thành, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang, nói.  
Việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống luôn đồng nghĩa với việc khôi phục lại những giá trị văn hoá truyền thống, để khơi dậy trong hồn của tộc người Cà Tu. Ngoài yếu tố tâm linh, văn hoá, nhà Gươl Cơtu còn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Việc khôi phục lại nhà Gươl truyền thống tức là góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Cơtu để lưu lại cho các thế hệ con em dân tộc mai sau hiểu biết, kế thừa những giá trị văn hoá vật chất tinh thần của dân tộc mình, để tồn tại không chỉ với những kiến trúc độc đáo mà còn phản ánh về vai trò và chức năng vốn có của nhà Gươl, tạo cho nhà Gươl luôn là một hình ảnh thân quen, gần gũi, ấm áp trong cuộc sống mà người Cơtu đã từng gắn bó.
Có thể nói, sự tồn tại của nhà Gươl trong đời sống văn hóa người Cơtu là một minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của nét văn hóa cộng đồng trong không gian văn hóa Đông Nam Á. Nó khẳng định vai trò và vị trí của ngôi nhà Gươl trong vai trò là mắt xích của quá trình hình thành và phát triển ngôi nhà cộng đồng ở khu vực này. Nhà Gươl như chiếc cầu nối văn hóa xưa với nay. Nhà Gươl là bảo tàng sống về văn hóa, giúp ta hiểu thêm về văn hóa người Cơtu, một tộc người vùng Nam Trung Bộ của đất nước.

(Cinet tổng hợp)
 ++++++++
* Tài liệu tham khảo :
- Kiến trúc nhà Gươl với văn hóa tín ngưỡng của người Cơtu (baotang.kientrucvietnam.org.vn)
- Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Viện Dân tộc học, nxb Khoa học Xã hội)
- http://dantocviet.vn/Content.aspx?sitepageid=205
 





0 nhận xét:

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Ấn phẩm báo ảnh Miền núi và Dân tộc song ngữ

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của Thông tấn xã Việt Nam về việc xuất bản thêm 3 ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ với số lượng 18.000 tờ/tháng từ năm 2015.




Trong đó: Việt - Tày 2.500 tờ/tháng, Việt - Xêđăng 14.000 tờ/tháng, Việt - Cơtu 1.500 tờ/tháng.

Phó Thủ tướng giao Thông tấn xã Việt Nam chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng các ấn phẩm trên, đồng thời phối hợp với các địa phương phát hành đủ số lượng ấn phẩm, đúng đối tượng đã được phê duyệt.
Bộ Tài chính phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam dự toán kinh phí và tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Thông tấn xã Việt Nam trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Tháng 1/1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi ra số đầu tiên. Đây cũng là tờ báo đầu tiên của cả nước do Thông tấn xã Việt Nam xuất bản, có nội dung chuyên biệt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài bản in bằng tiếng Việt, cũng trong năm 1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi đã được Thông tấn xã Việt Nam biên dịch ra tiếng Khmer. Những năm sau đó, các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số có chữ viết là Êđê, Bana, Jrai, Chăm được Thông tấn xã Việt Nam lần lượt xuất bản. Các ấn phẩm bằng chữ dân tộc thiểu số này được đồng bào Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ đánh giá cao không chỉ vì nó gần gũi với đồng bào do cách nói, cách viết đơn giản, dễ hiểu, nhiều ảnh đẹp, mà còn được đồng bào coi đó là tài liệu để dạy và học chữ cho con em mình trong các trường học rất phù hợp.
Năm 2012, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ với các phiên bản Việt-Khmer, Việt-Chăm, Việt-Bana, Việt-Jrai, Việt-Êđê của Thông tấn xã Việt Nam số đầu tiên đã ra mắt bạn đọc cả nước, đặc biệt là đồng bào những dân tộc thiểu số có chữ viết. 
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ phát hành 35.000 bản/kỳ, phục vụ trực tiếp 3.700 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thuộc 52 tỉnh.
Phúc Hải

0 nhận xét:

Những người săn máu (Phần V*)


Kỳ 5: Khi “dũng sỹ săn máu” thành chiến sỹ

Phong tục “săn máu” trong đồng bào Cơ Tu dần biến đổi. Nhờ tuyên truyền của cán bộ cách mạng, họ nhận thức được kẻ thù thực sự, lớn nhất của tộc người mình là ai...  

“Giặc mùa” theo cách mạng
Công cuộc thuyết phục người dân tộc Cơ Tu từ bỏ hủ tục, ngừng đâm chém lẫn nhau có rất nhiều công lao của các cán bộ cách mạng thời kỳ lúc bấy giờ.
Ở Quảng Nam, sau năm 1945, chính quyền huyện Giằng (Nam Giang ngày nay) và huyện Hiên (Đông Giang và Tây Giang hiện nay) đã khéo léo tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các bản làng, tổ chức các buổi “lễ đạp giáo” để từ nay đồng bào dân tộc không dùng lưỡi giáo để đâm người nữa. 


Máu vẫn đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người Cơ Tu ở Miền trung. Tục săn máu đã vĩnh viễn biến mất trong hơn nửa thế kỷ qua, khi người Cơ Tu, những "dũng sỹ săn máu" trở thành chiến sỹ cách mạng giết giặc.

Già làng Phạm Văn Noọc ở thôn Aprung (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) kể lại rằng: Sau 1950, tình hình “giặc mùa” có dấu hiệu biến chuyển tốt khi bộ đội cụ Hồ, cán bộ cách mạng thâm nhập sâu vào cuộc sống của đồng bào Cơ Tu.
Họ tuyên truyền, chỉ rõ sự thù hận chỉ mang đến đau khổ cho người dân, máu người không thể giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn. Và sẽ mắc mưu chia rẽ dân tộc của địch.

Đồng bào phải đoàn kết, chăm chỉ sản xuất, cùng đấu tranh đánh đuổi quân thù, khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đồng bào thực sự làm chủ núi rừng thì cuộc sống mới đổi thay được. Những lời tâm huyết của cách mạng khiến người Cơ Tu mình ưng cái bụng lắm”, già làng Noọc nhớ lại.
Trong cuốn hồi ký của nhà cách mạng Quách Xân có ghi sự kiện Đại hội đoàn kết năm 1952. Đây là một sự kiện có tính chất lịch sử đối với các đồng bào dân tộc ở huyện Giằng. Những mâu thuẫn, kỳ thị dân tộc chồng chất hàng trăm năm được xóa bỏ. Các thôn làng người Cơ Tu, Bhee không còn đâm chém lẫn nhau. 


Một thời kỳ dài trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, những chiến binh Cơ Tu được cách mạng soi sáng, trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Ảnh: LePichon

Trước khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, người dân tộc Cơ Tu nhiều vùng cũng đã dùng cách thức của những cuộc “săn máu” để trừ khử những tên quan tàn ác, làm tay sai cho giặc.
Chính sách đàn áp đồng bào dân tộc của thực dân Pháp lúc bấy giờ đã gây căm phẫn trong đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Chính sách “xâu”, bắt người dân tộc đi lao động khổ sai, đẩy người dân Cơ Tu vào tột cùng khốn đốn.

Xâu Giằng, hai tiếng đó bấy giờ gieo bao nỗi khủng khiếp cho đồng bào, nó gieo tai họa cho tất cả gia đình. Đó là những ngày dài đen tối, sống trong rừng thiêng nước độc”, Quách Xân miêu tả.
Cùng với sự đàn áp của thực dân, đồng bào còn bị một số tư sản mại bản thời bấy giờ lợi dụng lòng tin, bóc lột hàng hóa, sản phẩm làm ra. Thời đó đồng bào Cơ Tu thường bảo nhau “lính đồn đánh đập, thương lái bóc lột”. Và họ cũng  xem những thương lái gian lận là 'giặc'.
Đối với đồng bào Cơ Tu lúc bấy giờ, lính đồn và thương lái là hai loại tay sai của Pháp mà họ rất căm thù. Đỉnh điểm nhất của việc giết thương lái gian lận là vụ giết Mụ Tâm, một thương lái lớn ở huyện Đại Lộc lúc bấy giờ. Đây là tên tay sai cho giặc, hà hiếp đồng bào, ai không bán hàng cho mụ thì bị bắt trói, đánh đập. 


Già làng Quỳnh Dếch ở xã Thượng Long, người đàn ông Cơ Tu cuối cùng còn mặc khố. 
Ảnh: Duy Tuấn


Rồi sau đó là những vụ đồng bào Cơ Tu nổi lên giết những tên làm tay sai cho giặc. Vụ giết mụ Tâm, đốc Cháy, đốc Kim thể hiện thái độ cương quyết của đồng bào Cơ Tu không dung tha những ai dù là người Cơ Tu hay người Việt làm tay sai cho đế quốc, phong kiến.


Đoàn kết giết giặc
Hết thực dân Pháp đô hộ, đến thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào dân tộc Cơ Tu đã gần như không còn đâm chém lẫn nhau. Hai từ “giặc mùa” đã không còn như trước nữa. Người dân đã đoàn kết, yêu thương nhau chống giặc ngoại xâm.

Bọn thương nhân giải thích cho bọn ngụy quân ngụy quyền về giặc mùa, lại còn kể thêm những hành động xuất quỷ nhập thần của giặc mùa khiến cho đám tay sai đế quốc Mỹ run rẩy trước phong tục đáng sợ này của người dân tộc. Chúng còn sợ hơn vì trong giặc mùa còn sự hướng dẫn của cán bộ cộng sản đang hoạt động trên núi”, trích hồi ký Quách Xân.
Những cuộc hành quân của ngụy quân lên vùng đồng bào dân tộc ở huyện Hiên và huyện Giằng lúc bấy giờ đều vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ đồng bào. Năm 1958, bọn mật thám báo đi xuống trên sông Vu Gia để dò xét tình hình vùng thấp ở huyện Giằng liền bị “giặc mùa” dùng tên độc bắn chết 2 người.  

Mác lao, một dụng cụ được người dân Cơ Tu sử dụng trong những cuộc săn máu không còn đâm người nữa. Nó trở thành nỗi ám ảnh của những người lính viễn chinh Pháp và Mỹ trong những năm tháng sa lầy chiến tranh ở Việt Nam.

Ở huyện Hiên, lính đồn tuần tra dọc sông A Râng cũng bị trúng tên độc, chạy về đồn Hiên ngã lăn quay làm cho vợ chồng tên quận trưởng hoảng hốt bỏ chạy… Đầu năm 1958, “giặc mùa” táo bạo xuống đến Cột Buồm gần đồn Hiên đâm bà Chẩn, một tư thương giàu có… Cũng trong thời gian đó, “giặc mùa” bắn tên vào cơ quan ngụy quyền ở Thạnh Mỹ. huyện Giằng gây náo động cả vùng”, hồi ký Quách Xân ghi.
Sau những lần bị chống trả trên, lực lượng ngụy quân, ngụy quyền ở khu vực Quảng Nam không dám hoạt động ở vùng sâu nơi có đồng bào dân tộc nữa. Hai từ “giặc mùa” trở thành nỗi khiếp đảm. Bởi bọn tay sai biết rằng, trên rừng núi bao la có một lực lượng cách mạng hết sức trung thành với Đảng, hết sức dũng cảm, được miền Bắc hỗ trợ mọi mặt. Những hoạt động đó làm cho địch khiếp sợ, một bộ phận của lực lượng đó là “giặc mùa”.

Giờ đây, nhớ lại quá khứ của dân tộc mình, già làng Noọc tâm sự, đó là một thời kỳ rùng rợn, nếu không có ánh sáng của Đảng thì không biết cuộc sống người Cơ Tu mình sẽ như thế nào. Và liệu mình có tồn tại như ngày hôm nay không, hay số phận của mình cũng giống như vô vàn nạn nhân của tục “săn máu”.

Duy Tuấn
(Hết)
+++++++
 * Tiêu đề do Chu Tu đặt lại. Bài này được đăng trên trang vietnamnet.vn năm 2011, trích lại cho bạn đọc tham khảo thêm.

0 nhận xét: